Nuôi vịt đẻ thu lãi 500 ngàn đồng một ngày
Cập nhật lúc: 01/08/2017
Cập nhật lúc: 01/08/2017
Nuôi vịt lấy trứng là một trong những hình thức phổ biến của không ít người nông dân, để làm giàu từ nghề này thì không phải dễ. Nhưng nhờ sự chịu khó, tìm tòi, học hỏi mà gia đình anh Phạm Văn Hùng, tổ dân phố 4, thị trấn M’drak đã thành công và phát triển kinh tế vững mạnh.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Bắc, anh Phạm Văn Hùng, sau khi lấy vợ, loay hoay, vật lộn với rất nhiều nghề khác nhau nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Kinh tế càng kho khăn hơn khi có con. Muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, năm 1998, người thanh niên quyết định rời quê vào huyện M’drak lập nghiệp. Vì ít tiền và muốn mua đất giá rẻ nên anh chọn được mảnh đất ngay rìa hồ còn rất hoang sơ, chất đất tuy xấu nhưng rộng và gần nguồn nước. Rồi anh cũng trồng cấy cây nông nghiệp ngắn ngày lúa, ngô, mì, đậu… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đàn vịt nhà anh Hùng
Năm 2004, anh nghĩ nhà ở cạnh hồ nước tại sao mình không nuôi thêm vịt đẻ lấy trứng bán để cải thiện kinh tế và bữa ăn cho gia đình. Nghĩ là làm, bao nhiêu vốn liếng anh dồn lại và vay thêm một ít của người thân anh đầu tư chuồng trại và mua 300 con vịt đẻ. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm vịt đẻ không đạt hoặc bị dịch bệnh chết nên anh bị lỗ, rơi vào cảnh khốn đốn, đã có lúc anh từng có ý định bỏ cuộc nhưng rồi cứ tự động viên mình cố gắng lên.
“Thất bại là mẹ thành công”, sau những lần nuôi không thành, anh và vợ đã đúc rút kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật, chăn nuôi đúng cách hơn. Nhờ biết cách chọn nguồn giống, xây dựng chuồng trại, chăm lo dinh dưỡng, phòng bệnh đúng cách…rồi tăng dần số lượng đàn vịt đẻ lên. Đến nay, đàn vịt đẻ của gia đình anh khoảng 1000 con, mỗi ngày thu khoảng 800 trứng, với giá xuất bán 2.500 đồng/trứng, mỗi ngày sau khi trừ chi phí được lãi khoảng 500 ngàn.
Anh Hùng chia sẻ: “Nghề nuôi vịt đòi hỏi phải quan sát tỷ mỷ từng con để biết nó còn đẻ hay không để tách và thay thế. Thường thì khoảng 2 năm thay đàn một lần, nhưng nếu đàn vịt nào kém thì cần loại bỏ ngay. Thức ăn phải đảm bảo đủ chất, không nấm mốc, khu nuôi nhốt sạch sẽ, thoáng mát và có đủ ánh sáng cần thiết…có như vậy mới thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Nguyễn Thị Phượng (M’drak)