Năm 2016, khi mà việc chăn nuôi heo của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu ra bấp bênh xuống thấp, một số hộ nuôi heo thương phẩm đã không còn mặn mà với việc chăn nuôi heo. Nhằm giúp bà con nông dân tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, tháng 5/2016, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk thực hiện mô hình Chăn nuôi Dê luân chuyển tại hộ ông Y Thiểu Kbuôr và Y Mao Kbuôr ở Buôn Mbê, xã Krông Buk.
Triển khai mô hình Chăn nuôi Dê luân chuyển là hỗ trợ người nông dân chăn nuôi Dê mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang tính nhân văn sâu sắc vừa thực hiện được chính sách an sinh xã hội cho địa phưong, sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. từng bước góp phần giảm nghèo, hướng đến liên kết trong chăn nuôi, hình thành các nhóm sở thích từ đó cung cấp sản phẩm chăn nuôi chất lượng cho xã hội.
Bước đầu, mỗi hộ được hỗ trợ 02 con Dê mẹ giống Bách Thảo, người dân mua thêm 02 Dê mẹ và 01 Dê đực giống để chủ động phối giống. Với hình thức nuôi nhốt hoàn toàn thì đến nay, sau hơn một năm thực hiện mô hình có những tín hiệu vui, đàn Dê mẹ đã sinh sản từ 02 lứa trở lên và đã luân chuyển 02 con Dê cái sang cho 01 hộ khác nuôi. Số Dê con luân chuyển có trọng lượng tương đương với Dê mẹ lúc bắt về. Theo ông Y Mao Kbuôr thì nuôi Dê cái giống Bách Thảo cho lại với đực giống Dê lai Boer thì Dê con được sinh ra nhanh lớn, dễ nuôi và bán được giá hơn. Việc chủ động trồng cây thức ăn, phòng bệnh và tranh thủ lúc nhàn rỗi chăm sóc, đã giúp đàn Dê nhà ông phát triển tốt tăng đàn, có thu nhập.
Mô hình chăn nuôi dê luân chuyển hình thức nuôi nhốt hoàn toàn đã hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân ít đất sản xuất có cơ hội tham gia chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Thay đổi thói quen người nông dân từ chăn nuôi dê thả rông sang nuôi nhốt, từ việc phụ thuộc thức ăn tự nhiên sang chủ động nguồn thức ăn do mình trồng và chế biến. Tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
(Chủ hộ Y Mao Kbuôr phấn khởi bên đàn dê của mình)
Trong quá trình thực hiện mô hình có rất nhiều nông dân và lãnh đạo địa phương quan tâm. Đây là tín hiệu vui cho việc nhân rộng mô hình. Việc tìm hướng đi cho chăn nuôi bền vững là vấn đề cấp bách của các cấp, các ngành có liên quan. Thiết nghĩ, chăn nuôi Dê luân chuyển là vấn đề cần được duy trì và nhân rộng trong việc phát triển và nhân rộng đàn Dê địa phương theo hướng bền vững./.
Văn Hợp – Khuyến nông Krông Pắc.