• Tìm chúng tôi trên

Ðột phá trồng rau, hoa công nghệ cao ở Mê Linh

16/01/2017 10:37:31 GMT+7

Từ một xã gần như độc canh cây cà phê, những năm gần đây người dân xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) đã mạnh dạn đa dạng hóa các loại cây trồng, trong đó có phát triển rau, hoa theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đây, một vùng sản xuất rau, hoa rộng lớn đang dần được hình thành ở mảnh đất giáp ranh với thành phố Ðà Lạt.

Với giá cả ổn định, diện tích ớt chuông đang dần được mở rộng ở Mê Linh. Ảnh: H. Thắm

 
Mạnh dạn chuyển đổi
 
Vùng đất Mê Linh (Lâm Hà) được đánh giá là có nhiều những điểm tương đồng về điều kiện đất đai, khí hậu với thành phố Đà Lạt, thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
 
Anh Trúc Bá Tưởng là người đầu tiên ở thôn 2 mang nhà kính trồng hoa về Mê Linh thử nghiệm sau khi phá bỏ 1 sào cà phê. Vốn không có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau, hoa, anh Tưởng đã phải đi đến nhiều nhà vườn ở Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm. Qua 6 năm, diện tích rau, hoa của nhà anh đã lên đến 8 sào. Hoa đồng tiền và ớt chuông là 2 loại chính đem lại hiệu quả cao, với diện tích lần lượt là 1,5 và 6,5 sào. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Tưởng thu lãi trên 600 triệu đồng.
 
Gia đình chị Vũ Thị Hạnh chuyển vào Lạc Dương sinh sống và phát triển kinh tế từ năm 2009. Năm 2011, chị Hạnh đầu tư mua 3 ha đất trồng cà phê ở thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh. Nhận thấy cây cà phê không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết định đầu tư một phần diện tích làm nhà kính trồng hoa đồng tiền. Tuy nhiên, không như dự đoán ban đầu của chị Hạnh và gia đình, Hoa liên tiếp bị bệnh và chết. Sau khi tìm ra nguyên nhân bởi chính đất trồng, chị Hạnh đã tiến hành cải tạo, làm tăng giá trị dinh dưỡng của đất. Đến nay, diện tích nhà kính của gia đình chị Hạnh đã lên đến gần 1 ha, chủ yếu là trồng hoa hồng và hoa lily. Chị Hạnh cho biết: “Khí hậu ở đây tương đối ổn định, nhưng chất đất còn khá nóng nên hoa hồng không đạt được chất lượng cao như ở Đà Lạt. Sang năm gia đình tôi sẽ nghiên cứu để mở rộng thêm cả về diện tích lẫn giống để đa dạng hơn”.
 
Để tìm thị trường cho sản phẩm của mình, cả anh Tưởng và chị Hạnh đã phải đi khảo sát ở nhiều nơi. Đến nay, sau mỗi ngày thu hoạch, rau, hoa của anh chị đều được xe chở đi tiêu thụ ở TP.HCM. Khi quy mô diện tích được mở rộng thì đòi hỏi thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn, đây là điều trăn trở của những hộ dân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những thôn có giao thông đi lại còn nhiều khó khăn như Cổng Trời, Buôn Chuối
 
Phát triển theo hướng bền vững
 
Theo thống kê của UBND xã Mê Linh, diện tích trồng rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn liên tục được mở rộng. Năm 2013, xã chỉ có 8 ha thì đến nay con số đã là 20 ha, với 63 hộ dân. 
 
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết, qua khảo sát thì diện tích rau, hoa công nghệ cao của xã sẽ tiếp tục tăng. Điều đáng mừng nhất là không chỉ nhận thức đối với loại hình nông nghiệp công nghệ cao mà các hộ dân đã chủ động được nguồn vốn và kỹ thuật canh tác. 
 
Nhờ những chuyển đổi cây trồng hợp lý, thu nhập của người dân trong xã cũng tăng lên, nâng thu nhập bình quân đầu người của Mê Linh cuối năm 2015 đạt 37 triệu đồng/người, tăng 10 triệu đồng/người so với năm 2014. 
 
Chủ tịch Hội Nông dân MBon Ha K’Lê nhận định: Thế mạnh lâu nay của Mê Linh chính là cà phê. Tuy nhiên, nhiều diện tích cà phê đã trở nên cằn cỗi, kém hiệu quả. Việc chuyển đổi sang những loại cây trồng có hiệu quả cao như ớt chuông, đồng tiền, hoa hồng… đã giúp đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Thu nhập từ rau, hoa công nghệ cao ổn định và cao gấp nhiều lần so với cây cà phê truyền thống. Tuy nhiên, để đầu tư nhà kính cần nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, bà con nên cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đầu ra cho sản phẩm để quá trình chuyển đổi trở nên bền vững. “Mê Linh cũng đã “kết nghĩa” với phường 11 (TP.Đà Lạt) để hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn cây giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ dân ở phường 11 cũng mua đất, xây dựng nhà kính trồng hoa, rau ngay tại mảnh đất tiềm năng này. Bên cạnh đó, xã cũng đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật, mời những người có nhiều kinh nghiệm ở Đà Lạt về hướng dẫn người dân trong việc xây dựng nhà kính và các giải pháp để nâng cao năng suất cây trồng”, ông K’Lê cho biết thêm. 
 
Ông Vũ Bá Yêu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Hà cho biết: Tuy Mê Linh vẫn còn là một xã khó khăn với 1/3 dân số là người dân tộc tiểu số (trong đó có 4 thôn người DTTS gốc Tây Nguyên) nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở đây phát triển nhanh, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của huyện. Dù trồng rau, hoa công nghệ cao vẫn chưa phải là loại cây trồng chủ lực của xã Mê Linh, song sự phát triển mạnh mẽ của loại hình nông nghiệp này đang dần khẳng định vai trò, vị trí sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trong nền nông nghiệp địa phương. Trong thời gian tới huyện sẽ có những chính sách nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để bà con mạnh dạn chuyển đổi theo định hướng của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, xã Mê Linh sẽ phát triển thêm 120 ha rau, hoa.                       
 
HỒNG THẮM (Bao Lam Dong.vn)

TIN NỔI BẬT