Những lưu ý về nghề thủy sản trước tình hình biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc: 11/07/2018
Cập nhật lúc: 11/07/2018
Để ứng phó kịp thời với các biến đổi bất thường của thời tiết, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất thủy sản, các cơ sở cùng bà con nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cần lưu ý các nội dung sau
Trong những năm gần đây diễn biến thời tiết, khí hậu trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng rất khắc nghiệt, gây nhiều bất lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản: Những đợt nắng nóng cao độ, nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài… kỷ lục, những diễn biến thời tiết khó lường như mưa gió, bão lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng… đã làm cho các loài tôm, cá, thủy hải sản bị dịch bệnh, gây tổn thất hàng loạt, cuộc sống của không ít các hộ nông dân vùng triều vì thế gặp khó khăn, túng thiếu…
Tại Đăk Lăk, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn từ tháng 7-9/2018 tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, có xuất hiện 1-2 cơn lũ với biên độ 1-2m, mức đỉnh lũ thấp hơn báo động 1 trên các sông; từ tháng 10-12/2018 lượng mưa giảm ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%, mùa mưa có thể kết thúc sớm.
Để ứng phó kịp thời với các biến đổi bất thường của thời tiết, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất thủy sản, các cơ sở cùng bà con nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cần lưu ý các nội dung sau:
Các cơ sở sản xuất giống chủ động tích cực lấy nước vào ao chứa, hệ thống ao nuôi vỗ, ao ương san để chủ động nguồn nước sản xuất, đặc biệt có kế hoạch dự trữ nguồn nước vào những tháng cuối năm. Nguồn nước đưa vào sử dụng ương nuôi cần xử lý qua hệ thống lắng lọc kết hợp sử dụng vôi, hóa chất khử trùng, gây màu nước để hạn chế tối đa các tạp chất và các mầm bệnh lây nhiễm
Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản đã được tăng cường như: Nuôi tuần hoàn nhằm tiết kiệm nước đồng thời hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài. Các vùng nuôi tập trung, đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài. Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản theo hướng VietGap nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, an toàn động vật nuôi và sản xuất sản phẩm an toàn.
Khuyến cáo người nuôi thủy sản tập trung theo dõi sức khỏe tôm cá, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Nâng cấp hệ thống thủy lợi, tiếp tục nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, phòng chống nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến thủy sản nuôi trong mùa khô, xây dựng hệ thống ao chứa nước để dự phòng khi thiếu nước.
+ Đối với hình thức nuôi ao bà con lưu ý: mật độ (cá truyền thống) thả nuôi từ 2-3 con/m2, luôn duy trì mực nước 1,5 – 2 m, định kỳ dùng vôi bột 2 lần/tháng để phòng bệnh với liều lượng 10 kg/100m2. Bên cạnh đó, bà con thường xuyên theo dõi, quản lý môi trường, sớm phát hiện các biến động và điều chỉnh các yếu tố môi trường về phạm vi thích hợp.
+ Đối với hình thức nuôi lồng bè: mật độ (cá truyền thống) thả nuôi từ 20-25 con/m2 Thường xuyên vệ sinh lưới lồng, treo túi vôi ở các góc lồng bè để phòng chống dịch bệnh và ổn định môi trường nước.
Vào thời điểm mưa nhiều cần gia cố lồng bè, neo đậu chắc chắn, thu hoạch sớm các lồng có kích cỡ cá có thể thu hoạch, tránh thất thoát khi xẩy ra các lũ trên các con sông. Vào thời điểm cuối năm nước xuống thấp cần có kế hoạch di chuyển lồng bè ra nơi có mực nước cao hơn. Trong quá trình chăm sóc, đảm bảo khẩu phần thức ăn đồng thời bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho các đối tượng nuôi.
+ Đối với nuôi hồ chứa: Các hộ nuôi cần chủ động liên hệ với các đơn vị quản lý thủy lợi để năm bắt lịch xả nước, điều tiết nước, gia cố đăng chắn cá ở các vị trí cần thiết để tránh thất thoát. Định kỳ thu gom rác thải trong lòng hồ, bờ hồ và thực hiện các biện pháp phòng chống địch hại. Tiến hành thu tỉa các nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, theo dõi mực nước trong hồ và diễn biến thời tiết để có kế hoạch thu hoạch hợp lý.
Trong thời gian xẩy ra lũ lụt, mưa nhiều yêu cầu bà con tuyệt đối không khai thác, đánh bắt thủy sản; cần neo đậu thuyền nơi an toàn, thu gom đăng chắn, lưới… để đảm bảo an toàn tính mạng đến con người.
Trên đây là những khuyến cáo gửi tới các cơ sở và bà con nuôi trồng thủy sản trong tỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi hy vọng những lưu ý trên giúp người dân yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cũng nâng cao ý thức chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu./.
Hồng Duyên