NHẬN BIẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM H5N1
Cập nhật lúc: 20/04/2017
Cập nhật lúc: 20/04/2017
Bệnh cúm A/ H5N1 là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với gia cầm, thủy cầm và các loài chim. Bệnh có thể lây sang người gây tử vong. Bệnh do vi rut cúm A có động lực mạnh gây ra, với đặc điểm lây lan nhanh, tỷ lệ chết rất cao trong vòng 24-48 giờ sau khi nhiễm vi rút, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Hiện nay, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang có những diễn biến phức tạp khó lường, bà con chăn nuôi cần chủ động nhận biết và phòng chống dịch cúm A/ H5N1, cụ thể như sau:
Bệnh cúm A/ H5N1 là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với gia cầm, thủy cầm và các loài chim. Bệnh có thể lây sang người gây tử vong. Bệnh do vi rut cúm A có động lực mạnh gây ra, với đặc điểm lây lan nhanh, tỷ lệ chết rất cao trong vòng 24-48 giờ sau khi nhiễm vi rút, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
1. Nguyên nhân và đường truyền lây:
Bệnh cúm gia cầm do vi rút cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, gồm nhiều phụ type khác nhau: H5N1, H5N2, H7N2, H7N7…. Trong đó, chủng vi rut có độc lực cao (H5, H7, H9) có thể gây nhiễm với tỷ lệ chết đến 100% số gia cầm bệnh.
Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Truyền trực tiếp từ con ốm sang con khỏe. Vi rút cúm gia cầm dễ dàng lây truyền từ nơi này sang nơi khác do con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi….
2. Triệu chứng ở gà:
Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày kể từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Gà sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân; da tím bầm, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết rất nhanh. Gà bị tiêu chảy mạnh, phân loãng màu trắng hoặc xanh. Biểu hiện thần kinh: đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, ngoẹo đầu, đi quay vòng. Trong một số trường hợp, bệnh bùng phát nhanh, trước khi chết gà không có biểu hiện lâm sàng.
Đối với vịt, ngỗng có triệu chứng sưng, tích nước ở các xoang, ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy.
3. Bệnh tích:
Mào, yếm tích sưng to, phù quanh mắt. Chỗ da không có lông tím bầm, chân xuất huyết, vùng đầu xuất huyết và bầm tím. Bệnh tích bên trong: niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy. Xoang bụng tích nước, xuất huyết lốm đốm ở bề mặt niêm mạc và toàn bộ đường tiêu hóa.
4. Biện pháp phòng bệnh:
- Chủ động tiêm phòng vắc xin cúm A/ H5N1 cho đàn gia cầm, thủy cầm.
- Cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm:
+ Mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan thú y chứng nhận kiểm dịch. Cách ly triệt để đàn mới nhập về ít nhất 2 tuần để theo dõi. Không nuôi chung nhiều loại vật nuôi trong cùng một chuồng.
+ Kiểm soát chặt chẽ các loại động vật, sự ra vào của con người, phương tiện ra vào và các dụng cụ chăn nuôi. Thực hiện tiêm phòng vaccin cho gia cầm theo quy định.
+ Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước khi ra vào khu vực chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi.
+ Giám sát chặt chẽ tình hình đàn gia cầm để phát hiện sớm các biểu hiện ban đầu của bệnh.
5. Xử lý khi có dịch:
+ Khi gia cầm có biểu hiện của bệnh cúm A/ H5N1, tuyệt đối không điều trị, báo ngay với thú y cơ sở và chình quyền địa phương đẻ kịp thời xử lý.
+ Phải tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch theo đúng quy định: Không giết mổ, không bán chạy, không vứt xác gia cầm chết ra ao, hồ, kênh, rach, ruộng, vườn.
+ Thực hiện tẩy uế, sát trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, phương tiện, và dụng cụ chăn nuôi… Để trống chuồng ít nhất 2 tháng trước khi nuôi trở lại.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1, bà con chăn nuôi cần lưu ý thực hiện đúng các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học (cách ly – giữ vệ sinh - chủ động tiêu diệt mầm bệnh) và phối hợp tốt với cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi có dịch bệnh xảy ra.
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk