Người nông dân làm giàu bằng mô hình trang trại tổng hợp ở Thành phố Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 25/04/2016
Cập nhật lúc: 25/04/2016
Một trong những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế theo hướng trang trại của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ngụ tại liên gia 7, tổ dân phố 5, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột. Với tổng diện tích 1.5 ha ông đã đầu tư, cải tạo và trồng bơ; sầu riêng; cà phê và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai và heo sóc để khai thác tối đa lợi thế đất đai và địa hình của trang trại.
Người nông dân làm giàu bằng mô hình trang trại tổng hợp
ở Thành phố Buôn Ma Thuột
Một trong những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế theo hướng trang trại của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ngụ tại liên gia 7, tổ dân phố 5, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột. Với tổng diện tích 1.5 ha ông đã đầu tư, cải tạo và trồng bơ; sầu riêng; cà phê và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai và heo sóc để khai thác tối đa lợi thế đất đai và địa hình của trang trại. Chia sẻ với chúng tôi, lý do ông chọn mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt nhằm mục đích đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, giảm rủi ro do tác động của giá cả thị trường và dịch bệnh.
Ông Minh tâm sự, sau khi về hưu, sẵn với niềm đam mê chăn nuôi cộng với khát khao bảo tồn các giống heo bản địa của Tây Nguyên, năm 2013, trong một chuyến đi tham quan mô hình kinh tế trang trại khép kín tại Tây Ninh ông đã nuôi ước mơ sẽ xây dựng một trang trại thuần hóa và nuôi dưỡng heo rừng và heo đồng bào. Với ban đầu chỉ với 10 con heo đồng bào, ông đã cất công trong việc thuần hóa heo rừng, lai tạo với heo bản địa đến nay ông đã nhân rộng đàn heo lên đến 200 con với 100 nái và 10 đực.
Ngoài xuất bán lợn giống, ông còn bán lợn thương phẩm trên trang website riêng của trang trại. Với kinh tế trang trại tổng hợp, mô hình lấy ngắn nuôi dài, thu nhập hàng năm của gia đình ông lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Minh cũng cho biết: Dù chỉ là một mô hình chăn nuôi trang trại nhưng muốn thành công thì cần phải có kiến thức, quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Không những vậy, muốn tồn tại và phát triển thì cần phải tư duy linh hoạt, sáng tạo, nghiên cứu nắm vững thị trường,tạo được uy tín và thương hiêu… có như vậy mới đảm bảo đem lại giá trị thu nhập cao.
Dạo quanh khu trang trại thoáng mát, xanh tươi và sạch sẽ, được thiết kế bài bản, với diện tích hơn 1.5 ha, ông đã quy hoạch gọn vùng chăn nuôi gồm hơn 100 chuồng nuôi gồm khu nuôi heo đẻ, khu vùng đệm làm sân chơi cho heo kết hợp với một số cây trồng cho giá trị thu nhập cao: bơ; sầu riêng vừa tạo thêm thu nhập, vừa tạo bóng mát cho lợn và trồng các loại thức ăn cho lợn để đảm bảo duy trì nguồn thức ăn ổn định.
Đàn heo nuôi tại trang trại Đức Phú
Ông Minh chia sẻ, công tác phòng bệnh cho đàn heo luôn được ông đặt lên hàng đầu, ngoài tiêm phòng vắc xin định kỳ các loại bệnh như: Lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn thì tẩy giun sán cho heo là quan trọng giúp heo ít bị bệnh, nhanh lớn và một yếu tố quan trọng khác, là người chăn nuôi phải biết áp dụng KHKT cộng với niềm đam mê thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Do trang trại của ông có diện tích khá lớn, xung quanh là ruộng canh tác lúa của bà con, do đó ông Minh luôn chú ý đến việc xử lý nước thải trong môi trường chăn nuôi bằng hầm xử lý Biogas để đảm bảo môi trường xung quanh.
Khuôn viên trang trại với mô hình khép kín, tổng hợp
Do có nhiều kinh nghiệm trong làm kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi lợn, nhiều người đã tìm đến gia đình ông để học hỏi kinh nghiệm và được ông chia sẻ, giúp đỡ tận tình về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Ưu điểm của mô hình trang trại tổng hợp khép kín giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường chăn nuôi, đồng thời cũng giảm thiểu bệnh tật và có thể phát triển kinh tế bền vững hơn .Đây là mô hình trang trại tin cậy để mọi người đến tham quan học tập kinh nghiệm.
Hoàng Liên