Ma Đrắk: CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG VƯƠN LÊN LÀM GIÀU
Cập nhật lúc: 10/11/2017
Cập nhật lúc: 10/11/2017
Thôn 14 xã Ea Pil là thôn đồng bào dân tộc Tày sinh sống là chủ yếu, đây là vùng đất rộng lớn và tương đối bằng phẳng nhưng chất đất không được tốt, nên làm kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, để vươn lên thoát nghèo, người dân trong thôn 14 nói riêng và trên toàn xã Ea Pil nói chung đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Một trong những hộ gia đình đi đầu trong phong trào này của thôn là gia đình ông Hoàng Văn Thụ.
Thôn 14 xã Ea Pil là thôn đồng bào dân tộc Tày sinh sống là chủ yếu, đây là vùng đất rộng lớn và tương đối bằng phẳng nhưng chất đất không được tốt, nên làm kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, để vươn lên thoát nghèo, người dân trong thôn 14 nói riêng và trên toàn xã Ea Pil nói chung đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Một trong những hộ gia đình đi đầu trong phong trào này của thôn là gia đình ông Hoàng Văn Thụ.
Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng các loại cây ngô, mì, đậu…, ông chia sẻ: “Làm các loại cây ngắn ngày trên đất mới khai hoang còn màu mỡ nên ít phải bón phân thì có lãi, nhưng dần dần đất bạc màu, lượng phân bón đầu tư ngày càng lớn nên chỉ có lấy công làm lãi, nếu gặp thời tiết không thuận lợi cộng với giá cả bấp bênh thì có khi lỗ”. Trăn trở với quỹ đất gia đình khai hoang được tương đối lớn mà cứ nghèo mãi, ông không cam lòng. Ông nghĩ: “Ở ngoài quê đất hẹp người đông, không đảm bảo được cuộc sống ấm no. Bây giờ vào đây rồi, có đất nhiều rồi, không thể để nghèo mãi được”. Nghĩ là làm, ông tự nghiên cứu, tự học hỏi, tự tìm tòi trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng với quyết tâm chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để vươn lên.
Năm 2010, ông đã quyết định đầu tư trồng 5 ha cao su, năm 2014, ông tiếp tục trồng thêm 5 ha cao su nữa, đến nay, 5 ha cao su đã cho thu hoạch, ông chia sẻ: “Năm 2016, mủ cao su được khai thác lần đầu; 5 ha cao su đó, cũng lấy công làm lãi gia đình tôi thu được 150 triệu đồng.. Trồng cao su “nhàn” hơn nhiều so với trồng các loại cây ngắn ngày khác. Cái khó duy nhất của loại trồng cây này là “mở miệng cạo” đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao như: tư thế cầm dao cạo, tư thế đứng mở, vị trí đứng mở; khi mở đòi hỏi sự nhịp nhàng giữa chân và tay, thao tác phải chính xác, tay cầm dao phải chắc, tránh làm lệch miệng…”.
Ngoài trồng cao su ra, gia đình ông trồng thêm 1 ha nhãn trái vụ đã đến năm thứ 3. Làm thêm 2 ha lúa, mỗi năm sau khi trừ chi phí lãi khoảng 60 triệu đồng. Nuôi thêm khoảng 100 con gà và 0,4 ha ao cả để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Ông Hoàng Văn Thụ bên ruộng lúa của gia đình
Nhờ sự cần cù, sáng tạo mà đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Thụ đã vươn lên là gia đình kinh tế khá của thôn, qua đó, ông đang dần chứng minh cho bà con nông dân thôn 14, xã Ea Pil cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng để vươn lên làm giầu.
Nguyễn Thị Phượng (M’drak)