KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY NGÔ SINH KHỐI
Cập nhật lúc: 26/11/2021
Cập nhật lúc: 26/11/2021
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ tại nước ta thì việc phát triển mô hình trồng ngô sinh khối là rất cần thiết, nhằm dự trữ thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Vì vậy, để nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu trong chăn nuôi thì cần phải nắm đươc kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô.
1. Đặc điểm ngô sinh khối
- Ngô sinh khối là cây lương thực ngắn ngày, cây phát triển nhanh, khỏe mạnh trong môi trường nhiệt độ ấm.
- Ngô sinh khối có đặc điểm thân to, bộ rễ chân kiềng phát triển, có khả năng chống đổ. Cây được trồng lấy thân, lá, bắp non làm thức ăn thô xanh cho gia súc. Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối ngắn hơn ngô lấy hạt, từ khi trồng đến khi thu hoạch 60-70 ngày. Năng suất của ngô sinh khối đạt trung bình từ 45-60 tấn/ha.
2.Thời vụ trồng
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và hệ thống luân canh cây trồng từng địa phương để lựa chọn khung thời vụ thích hợp nhất. Ở một số vùng có điều kiện thuận lợi (đất bằng, chủ động tưới,..) thì thu hoạch xong vụ này là có thể trồng vụ khác.
3.Giống
Sử dụng giống ngô có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất sinh khối cao, có khả năng trồng được mật độ cao, chịu hạn như: LCH9, NK7328, SSC586, NK66…
3. Kỹ thuật canh tác
a. Làm đất
Cây ngô sinh khối là loại cây dễ trồng và có khả năng thích nghi trồng được với mọi loại đất khác nhau. Tuy nhiên đất trồng ngô cần phải là đất tơi xốp, dễ thoát nước.
b. Giống và mật độ gieo trồng
Lượng giống cho 1 ha: 27 - 30 kg; mật độ thích hợp: 7,7 - 8,3 vạn cây/ha; khoảng cách gieo: 60 - 65 cm x 20 cm/cây.
c. Bón phân
- Bón 8 - 10 tấn/ha phân chuồng hoặc 2500 kg phân hữu cơ vi sinh. Bón lót toàn bộ trước khi gieo hạt. Phân đạm urê: 340 - 350 kg, lân supe: 600 - 650 kg, kali chlorua: 165 - 170 kg; bón lần 1 khi ngô 5 - 7 lá (toàn bộ lân + 1/3 lượng đạm và ½ lượng kali); bón lần 2 khi ngô 9 - 10 lá (1/3 lượng đạm + 1/2 lượng kali); lần 3 trước khi trỗ khoảng 10 ngày, bón lượng phân còn lại.
- Trường hợp sử dụng phân bón tổng hợp NPK, có thể chọn loại phân và lượng bón để đạt mức bón tương đương.
Thu hoạch ngô sinh khối
d. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
- Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, đặc biệt là sâu đục thân, sâuu keo mùa thu, bệnh khô vằn và đốm lá.
- Tưới nước đảm bảo đủ ẩm; cần bố trí thời vụ để tránh hạn, đặc biệt ở các giai đoạn trước, trong và sau khi trổ cờ, tung phấn, phun râu.
đ. Thu hoạch
Thời điểm lý tưởng cắt cây ngô xanh để ủ chua là khi 50% số bắp trên cây ở giai đoạn chín sáp. Thu hoạch toàn bộ thân cây bao gồm cả bắp, cắt thành các lát từ 3 - 5 cm.
Nguyễn Chung-TTKN-GCT,VN&TS ĐĂK LĂK