Kịp thời phòng trừ chuột hại lúa vụ hè thu 2020
Cập nhật lúc: 06/08/2020
Cập nhật lúc: 06/08/2020
Hiện nay, vấn đề tập trung sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa để ổn định lương thực cho nhân dân là hết sức cần thiết, bỡi nhìn chung hoạt động để phát triển kinh tế của địa phương đang rất khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế cần tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, đặc biệt là quan tâm phòng trừ kịp thời đối tượng chuột hại đang phát sinh gây hại trên lúa. Nếu không kịp thời, số lượng chuột nhân lên sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa vụ hè thu này.
Trà lúa hè thu chính vụ của Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, làm đòng (tượng khối sơ khởi), chuẩn bị trỗ. Đây là giai đoạn cây lúa vươn lóng, hình thành đốt để chuận bị trỗ bông, những đốt thân mềm, thơm ngọt là thức ăn khoái khẩu của đối tượng chuột hại. Lội một vòng quanh các cánh đồng trên địa bàn thành phố, không khó khăn mấy để nhận biết những khoảnh ruộng (diện tích vài m2‑) lúa vàng hoe ở giữa xen với màu xanh thuần của lúa, đó là triệu chứng lúa đang bị chuột gây hại, cắn phá đứt cây. Khi vào giữa ruộng, rất dễ dàng để nhấc bổng những cây lúa đã bị chuột cắn phá tận gốc ra khỏi khóm lúa. Nếu không tinh ý, nhìn từ xa mọi người sẽ nghĩ rằng triệu chứng này do sâu đục thân gây hại, theo đó phòng trừ không đúng, vừa tốn thuốc, vừa độc hại vừa không hiệu quả. Khi chú ý sẽ thấy tại điểm chuột cắn cây lúa, luôn tạo một góc 450 trên cây lúa so với mặt ngang, vết cắn này dễ phân biệt với triệu chứng lúa bị sâu đục thân gây hại (sâu đục thân gây hại cũng vàng từng chòm và cũng bị đứt ở gốc lúa). Tại những cánh đồng gieo sạ không đồng loạt đang bị chuột gây hại nặng hơn, bỡi những ruộng gieo sớm lúa đang trỗ đều, chuột đang tập trung vào ăn, cắn phá, rồi sinh sản ra nhiều thế hệ theo cấp số nhân. Khi ruộng này không còn thức ăn thì chuột sẽ đổ bộ sang những ruộng xung quanh. Được biết, từ một cặp chuột (đực và cái) ban đầu, qua một năm có thể sinh sản lên đến chục nghìn con chuột, nếu không bị các loại thiên địch của chuột (rắn, mèo, diều hâu…) khống chế bớt.
Cách đồng lúa đang giai đoạn trỗ bông bị chuột gây hại
Chị H’Quyên cho biết, gia đình chị ở xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma thuột, vừa mua được 1 sào ruộng tại thôn 1, xã Hòa Xuân với giá 50 triệu đồng, tiền vay ngân hàng. Chị than thở, vụ hè thu này là vụ đầu tiên chị gieo sạ giống lúa An Sinh, gieo trước trà chính vụ chừng 15 ngày, hiện ruộng chị lúa đang trỗ, chuột tập trung cắn phá rất nặng, với cái đà gây hại này, đến cuối vụ chắc không còn lúa để thu hoạch. Chị đã xử lý thuốc chuột nhiều lần nhưng không hiệu quả. Cách ruộng của chị chừng 200 mét, lại thêm một đám ruộng gieo sạ sớm, trỗ xong, đang bị vàng khô bỡi chuột gây hại. Theo anh Vũ Phong Phú, người làm ruộng gần kề đám ruộng bị chuột cắn phá cho biết, ở cánh đồng này, khi trà lúa chính vụ đang thời kỳ mạ, chỉ có một đám lúa gieo trước đã trỗ nên chuột tập trung vào cắn sạch, giờ chuột đang tiếp tục lan ra các ruộng xung quanh để gây hại.
Hiện nay, vấn đề tập trung sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa để ổn định lương thực cho nhân dân là hết sức cần thiết, bỡi nhìn chung hoạt động để phát triển kinh tế của địa phương đang rất khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế cần tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, đặc biệt là quan tâm phòng trừ kịp thời đối tượng chuột hại đang phát sinh gây hại trên lúa. Nếu không kịp thời, số lượng chuột nhân lên sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa vụ hè thu này.
Được biết, chuột là loại động vật rất tinh khôn, nhanh nhẹn, đa nghi, di chuyển rộng, sinh sản nhanh, khả năng thiết lập quần thể rộng. Đặc biệt chuột có bộ răng phát triển liên tục cả vòng đời, do đó chuột thường hay phải mài răng, cắn phá, gặm nhấm tất cả các thứ và lúa là thức ăn thích nhất của chuột. Chuột hoạt động chủ yếu vào ban đêm, tập trung nhiều nhất là chiều tối và sáng sớm. Chuột có khả năng di chuyển đi xa, từ nơi này sang nơi khác để ẩn trốn và tìm thức ăn. Khi tìm được nguồn thức ăn, chúng kéo đến từng bầy để ăn và phát triển đàn. Chuột có tập tính luôn đi về trên những lối mòn của chúng. Thị giác của chuột rất kém nhưng các giác quan còn lại rất nhạy bén. Trước khi muốn ăn một loại thức ăn nào, thường thì chúng nếm thử, nếu phát hiện thức ăn không thích hợp (thuốc bã nhử chuột) thì chuột không ăn mà kéo nhau bỏ đi nơi khác. Chuột cái mỗi năm có thể đẻ được 5 lứa, mỗi lứa đẻ từ 5-7 con, các thế hệ nhân lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng đối với sản xuất lúa.
Tại điểm chuột cắn luôn tạo một góc 450 trên cây lúa so với mặt ngang
Để phòng trừ chuột hiệu quả, phải phòng trừ liên tục, thường xuyên trên cả cánh đồng sẽ hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm rất lớn số lượng chuột gây hại trong sản xuất. Nếu trong vụ đông xuân trước mà bị chuột gây hại nhiều trên diện rộng, thì ngay cuối vụ cần phải có kế hoạch để diệt trừ chuột, đề phòng chuột tiếp tục gây hại ở vụ hè thu tiếp theo bằng nhiều biện pháp. Trong vụ hè thu, thời điểm diệt chuột tập trung hiệu quả nhất khi lúa đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh (là đầu tháng 7). Về thời vụ, cần tổ chức xuống giống và thu hoạch đồng loạt, để thuận lợi cho việc phòng trừ. Tuyệt đối không gieo sạ sớm cục bộ, sẽ tạo điều kiện cho chuột tập trung gây hại và phát triển lây lan. Không nên gieo nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau trên cùng cánh đồng, để không có nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột. Vệ sinh đồng ruộng để cắt đứt nơi trú ẩn, sinh sống của chuột bằng cách phát quang bụi rậm, không để ruộng hoang, phá ổ chuột tại các bờ ruộng ngay sau khi thu hoạch vụ trước.
Khi phát hiện có hiện tượng chuột cắn phá gây hại thì cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp cùng một lúc thì mới có hiệu quả cao, như làm mất nơi cư trú của chuột bằng cách kiểm tra và phá hủy những nơi chuột trú ẩn. Giữ nước trong ruộng ở mức cao (10 -15cm) trong giai đoạn lúa làm đòng và trổ để gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức bẩy bắt và diệt. Đồng thời bắt diệt chuột bằng cách tìm và đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn (khí đá), đốt rơm trộn ớt khô… ở bờ, bụi xung quanh ruộng. Dùng các loại bẫy để bắt như bẫy bán nguyệt, bẫy lồng sập, bẫy dính… Vì chuột là động vật rất tinh khôn nên cần ngụy trang cẩn thận như dùng mồi nhử thích hợp (khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,…) đặt bẫy ở mô đất cao trong ruộng, sát bờ ruộng, ở những đường mòn chuột thường qua lại… Ngoài ra dùng bã diệt chuột sinh học BCS, Biorat hoặc KillRat…đặt nơi có chuột thường qua lại theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuyên truyền, phổ biến cho nông dân không săn bắt, giết thịt các thiên địch của chuột có trong tự nhiên như rắn, trăn, cú mèo...để chúng tiêu diệt chuột.
Chỉ sử dụng thuốc hoá học ở những nơi xa khu dân cư, nơi đang bị chuột phá hại trầm trọng và phải thông báo cho mọi người biết để đề phòng gia cầm, gia súc vô tình chăn thả tại khu vực đó. Đối với hình thức diệt chuột bằng bã thuốc thì phải “mồi” trước bằng thức ăn không có thuốc liên tiếp 3 - 5 ngày để đánh lừa, làm chuột mất cảnh giác, sau đó thì dùng bả thuốc, vì chuột có thói quen là nếm thử thức ăn có độc hay không, nếu phát hiện thuốc độc thì chúng sẽ không ăn. Các loại thuốc có thể sử dụng như Storm, Rat K 2%DP, ... Chú ý sau khi đặt bã thuốc, mỗi ngày phải đi thu gom mồi thừa và xác chuột chôn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người và môi trường.
Tin rằng không chỉ ở Thành phố Buôn Ma Thuột mà các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh ít hoặc nhiều cũng có thực trạng chuột gây hại trên lúa vụ hè thu này. Mong rằng các cơ quan chuyên môn, bảo vệ thực vật, khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở, hội nông dân cơ sở phải kiểm tra, theo dõi thường xuyên trên các cánh đồng, để phát hiện kịp thời và hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân phòng trừ chuột có hiệu quả.
Hiện tại, nếu một số địa phương không thể tổ chức tập huấn kịp thời về các biện pháp phòng trừ chuột cho nông dân (vì giãn cách xã hội) thì phải tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể cho nông dân qua các phương tiện thông tin truyền thông, loa đài tại cơ sở để nông dân nắm bắt, phòng trừ đúng lúc, để vụ hè thu 2020 đảm bảo năng suất và chất lượng lương thực, phục vụ nhân dân.
Cẩm Lai – Trạm KN TP. BMT