Kinh nghiệm của các xã đạt chuẩn nông thôn mới
Cập nhật lúc: 04/11/2016
Cập nhật lúc: 04/11/2016
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự khéo léo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, một số xã trên địa bàn tỉnh đã đạt đủ 19 tiêu chí trong Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu được triển khai tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) vào năm 2011, xã chỉ mới đạt được 7/19 tiêu chí. Một số tiêu chí về hệ thống giáo dục, giao thông nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn rất hạn chế, kém xa chuẩn đặt ra. Hòa Đông còn là một “điểm nóng” về an ninh trật tự của tỉnh thời điểm đó.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các thôn, buôn trên địa bàn xã đã tổ chức họp dân bầu Ban phát triển cấp thôn, buôn để triển khai các nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và của xã đến tận người dân dưới nhiều hình thức. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên là người đi đầu trong từng việc làm cụ thể để người dân thấy và ủng hộ, làm theo. Như trong quá trình làm đường giao thông trong xóm, một số cán bộ, đảng viên đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đem thế chấp ngân hàng vay tiền làm đường. Những đoạn đường được hoàn thành khang trang, sạch đẹp giúp người dân đi lại thuận tiện nên bà con rất ủng hộ, tiếp tục mở rộng thêm sang các thôn, xóm khác. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến tháng 6-2015, xã Hòa Đông đã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống giao thông được đầu tư cứng hóa hơn 90%, trường học các cấp được xây dựng đầy đủ, khang trang, số hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, tăng 200% so với năm 2010. An ninh trật tự được bảo đảm, xã Hòa Đông trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh Đắk Lắk về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông chia sẻ: “Để đạt được những kết quả đó, điều quan trọng nhất chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Phải lấy người dân làm trung tâm và phải làm sao cho họ thấy, hiểu và ủng hộ thì quá trình thực hiện mới thành công được. Bảo đảm an ninh trật tự là một trong những tiêu chí khó thực hiện, xã đã tập trung nhân lực, vận động người dân cùng tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh”. Ngoài lực lượng công an, xã Hòa Đông còn thành lập 19 đội dân phòng ở 19 thôn, buôn, được trang bị đầy đủ tư trang, công cụ hỗ trợ để họ hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự; củng cố xây dựng trung đội dân quân cơ động, các tiểu đội ở các thôn, buôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Với cách làm này, mỗi người dân đều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ an ninh, đề cao tinh thần cảnh giác và trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Người dân chung tay làm đường tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc). Ảnh: H.G
Thực tế triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn cho thấy, để đạt được các mục tiêu đặt ra, cùng với sự lãnh đạo khéo léo, sâu sát của chính quyền, điều quan trọng chính là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho quá trình triển khai được thuận lợi và đạt hiệu quả.
An Phương- baodaklak.vn