• Tìm chúng tôi trên

MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ HIỆN TƯỢNG RỤNG TRÁI NON TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

24/05/2021 10:30:13 GMT+7

Hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên cây sầu riêng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: Rụng trái non sinh lý, rụng do mất cân bằng dinh dưỡng, do sâu bệnh gây hại, do thời tiết bất thuận, ... Sầu riêng rụng hoa rụng trái nhiều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ.

Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đất tự nhiên 1.303.048 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 627.031 ha. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nếu phát huy được kết hợp với sự cần cù của người dân, các chính sách phù hợp của Nhà nước, trong thời gian không xa Đắk Lắk sẽ trở thành thủ phủ trái cây vùng Tây nguyên bên cạnh cây cà phê và các loại cây công nghiệp khác như cao su, hồ tiêu, điều,…

Hiện nay, diện tích cây ăn quả ước đạt 28.416 ha, chiếm khoảng hơn 8,0% diện tích cây lâu năm của tỉnh - Cây ăn quả được phân bố trên nhiều loại đất khác nhau. Đối với Sầu riêng (Theo số liệu thống kê) diện tích hiện có 8.967 ha, sầu riêng được trồng phân bố tại các huyện như Krông Pắk 2.250 ha, Krông Năng 2.278 ha, Krông Buk 870 ha, Ea H’leo 704 ha, TP.Buôn Ma Thuột 722 ha; Các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là các giống như Ri6, Monthong và một số ít giống địa phương. Với năng suất thu được từ 15-20tấn/ha và giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản xuất lên đến 1 tỷ đồng, trừ chi phí nông dân còn lãi ròng từ 500 - 600 triệu đồng.

Tuy đã và đang là một trong những loại cây được nông dân gửi gắm ước vọng làm giàu nhưng sầu riêng là loài cây rất khó chăm sóc và dễ bị sâu bệnh hại, vì vậy, trong quá trình canh tác cây sầu riêng thì tưới nước, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong các khâu rất quan trọng giúp cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, điều chỉnh sự ra hoa, đậu quả. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc rụng trái sầu riêng và năng suất, chất lượng của sầu riêng, đây là vấn đề mà người trồng sầu riêng hiện nay rất quan tâm và lo lắng.

Khi đã xảy ra hiện tượng rụng trái non từ lúc xả nhụy đến lúc trái bằng quả trứng thì nguyên nhân chủ yếu là do cây sầu riêng ra đọt mạnh, thiếu dinh dưỡng và một số yếu tố khác gây ra. Vì vậy người dân cần nắm bắt chắc kỹ thuật chăm sóc để kịp thời khắc phục.

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên cây sầu riêng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: Rụng trái non sinh lý, rụng do mất cân bằng dinh dưỡng, do sâu bệnh gây hại, do thời tiết bất thuận, ... Sầu riêng rụng hoa rụng trái sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ.

1. Rụng trái non do thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân đối

Cây sầu riêng có đặc tính sẽ ra hoa và đậu trái rất nhiều, nếu không tiến hành tỉa hoa, tỉa trái đúng thời điểm sẽ khiến chúng cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, cây không đủ sức để nuôi toàn bộ hoa (trái) trên cây nên phải rụng hoa (trái) để tập trung dinh dưỡng nuôi số còn lại. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các vườn trồng xen canh hoặc không bón cân đối phân hữu cơ và phân NPK hoặc không chăm sóc thường xuyên. 

* Biểu hiện: Hoa và trái non rụng từ từ, lai rai và cây xuất hiện các dấu hiệu như cây bị rầy, bệnh tấn công làm hư và rụng lá, cây không đủ cơi đọt và lá mới, lá mỏng, nhỏ.

* Khắc phục: Trước khi làm bông ít nhất 3 tháng cần bón đầy đủ phân hữu cơ và NPK. Phân hữu cơ bón từ 10 -15 kg/gốc, phân NPK ba số bằng nhau (15-15-15, 16-16-16, ...) bón 0,5 kg – 1 kg/gốc và 1 tháng /lần. Giai đoạn cây ra hoa, đậu trái cần bón phân qua rễ và qua lá để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây.

- Bón gốc: Phân NPK: Bón sau khi xổ nhụy dứt điểm 7 ngày và định kì 7-10 ngày/lần theo nguyên tắc chia làm nhiều lần bón.

+ Giai đoạn trái nhỏ (trái dưới 45 ngày tuổi ở giống Ri6 và dưới 60 ngày tuổi ở giống Monthong): bón công thức phân 3 số bằng nhau (như: 15-15-15, 16-16-16, 17-17-17… ) để cung cấp dinh dưỡng cân đối. Trộn thêm phân bón trung - vi lượng.

+ Giai đoạn trái lớn (khoảng 45 ngày trở lên đối với giống Ri6 và khoảng 60 ngày trở lên đối với giống Monthong): chuyển sang công thức phân bón NPK có hàm lượng Kali cao như: 12-12-17, 12-11-18, 15-5-20… và Kali phải là dạng Kali Sulfat (K2SO4).

- Phun qua lá: Để giúp trái non hạn chế rụng, trái xanh gai, to tròn, tránh nứt gai, nứt cuống có thể phun phối trộn các chất trung – vi lượng và phân bón lá để bổ sung thêm dinh dưỡng đầy đủ cho trái. Thời điểm: sau khi cây xổ nhụy xong 3-4 ngày thì có thể phun và phun định kì 10-15 ngày/lần. Các loại phân  bón lá được sử dụng để phun qua lá sẽ ưu tiên các dòng phân NPK công thức 3 số bằng nhau như 20-20-20, 21-21-21… Các chất trung – vi lượng như: Canxi, Bo, Mg, Zn, Cu, Fe, Mn… (Lưu ý: Phun toàn cây nhưng phun chủ yếu ở mặt dưới lá và trái).

2. Rụng trái non do cây vừa ra hoa, trái non vừa ra đọt (cạnh tranh dinh dưỡng)

Do sinh lý cây ra hoa, trái thì cần ra đọt để tăng cường khả năng quang hợp cung cấp dinh dưỡng nuôi trái sau này. Ngoài ra hiện tượng ra đọt lá mới cũng thường xuất hiện khi tiến hành tưới nước đột ngột cho cây.  

* Biểu hiện: Cơi đọt mới xuất hiện ở đầu cành trong khi cành đang có hoa, trái.

* Khắc phục: Có thể lựa chọn 1 trong 2 giải pháp.

- Giải pháp 1: Hãm đọt - Không cho ra đọt non. Trường hợp cây ra đọt vào giai đoạn sầu riêng phát triển trái non, để tránh việc trái bị rụng cần nhanh chóng phun phân MKP 0-52-34 liều lượng 5-6kg pha 200 lít nước cho cây; Nitrat Kali KNO3 nồng độ 1,5% (250g/bình 16 lít) hoặc Paclobutrazol nồng độ 250-500 ppm, phun định kỳ 3 ngày/lần để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng gây rụng trái non. Cần phối hợp với thuốc Agri – Fos 400 để kháng lại bệnh thối trái, xì mủ thân (giai đoạn này quả nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối quả do nấm phát triển). Ngoài ra, việc bón nhiều hàm lượng Kali sẽ khiến lá hoặc đọt non ngưng phát triển về kích thước mà nhanh chóng già đi, tránh việc cạnh tranh dinh dưỡng với trái sầu riêng non.

- Giải pháp 2: Vừa nuôi hoa, trái vừa nuôi đọt. Trường hợp này cần tăng lượng phân bón gấp đôi so với quy trình để đảm bảo dinh dưỡng cho cây vừa nuôi hoa, trái vừa nuôi đọt. (cần kết hợp cả phân bón gốc và phân phun qua lá).

+ Sử dụng phân bón gốc bằng các loại phân bón có hàm lượng cân bằng dinh dưỡng như NPK 20-20-20+TE. Để tưới nhỏ giọt thì kết hợp với bổ sung các loại canxi bo.

+ Nên sử dụng các loại phân bón tinh khiết để tưới gốc, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Phun qua lá các sản phẩm dinh dưỡng cao như NPK 26-26-26+TE. Đặc biệt bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng các chế phẩm sinh học giàu vi lượng, axit amin, phun định kỳ 10-15 ngày/1 lần. Kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh để phòng trị nấm bệnh gây hại cho sầu riêng.

3. Rụng trái non do sốc nước

Vào mùa khô cây không được cung cấp đầy đủ và liên tục về nước, vì vậy khi chuyển sang mùa mưa, lượng nước mưa thay đổi đột ngột, điều này có thể làm cho sinh lý cây thay đổi đột ngột, cây bị sốc, dẫn đến hiện tượng rụng hoa và trái non. Hoặc trong thời gian cây xổ nhụy (thường kéo dài khoảng 7-10 ngày), nếu không cung cấp nước trong suốt thời gian dài như vậy, đặc biệt là mùa nắng nóng có thể làm thiếu nước, suy cây và rụng trái. Vào thời kỳ cây mang trái nhưng lượng nước cung cấp không đủ cũng là nguyên nhân khiến hiện tượng rụng hoa và trái non trên cây sầu riêng xảy ra. Bên cạnh đó, nếu vườn trồng gặp phải mưa bão kết hợp với gió lốc sẽ khiến hoa và trái sầu riêng non rụng hàng loạt. 

* Biểu hiện: Rụng hoa, trái non đồng loạt và nhanh cấp tốc.

* Khắc phục:  Việc tưới nước cho cây cần phải ổn định và đầy đủ. Không nên để quá dư hoặc quá thiếu nước, nếu rụng trái nhiều nên hạn chế việc tưới nước lại. Kết hợp việc tưới nước với  bón phân hợp lý. Ngoài ra cần lưu ý, giai đoạn cây ra hoa cũng tưới nước nhưng tưới ít để duy trì độ ẩm cần thiết.

4. Rụng trái non do sốc nhiệt

Thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, lâu lâu lại xen lẫn vài cơn mưa hoặc có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn.

* Biểu hiện: Gây rụng hoa, rụng trái non rất nhiều.

* Khắc phục:

- Tạo thảm thực vật (thảm cỏ) nhằm giữ độ ẩm cho đất vào mùa nắng nóng khô hạn, góp phần giảm hiện tượng sốc nhiệt cho cây.

- Duy trì tưới nước đều dặn, đồng thời phun nước lên tán lá để giải nhiệt cho cây. Thời điểm: buổi sáng (trước 10 giờ sáng) và buổi chiều (từ 4 giờ đến 6 giờ), tránh tưới và phun nước vào buổi trưa nắng sẽ càng làm cây bị sốc hơn.

- Đảm bảo cho cây có sức sống tốt nhất trước khi bước vào giai đoạn ra hoa, đậu trái, vì vậy cần lưu ý chế độ nước tưới, chế độ bón phân, đặc biệt là cần bổ sung hàm lượng trung, vi lượng để tăng sức chống chịu của cây. Ngoài ra, có thể bổ sung cho cây các chất điều hòa sinh trưởng như auxin, cytokinin, … để tăng sức chống chịu và chống sốc nhiệt cho cây, giảm rụng hoa, rụng trái.

5. Rụng trái non do sâu, bệnh gây hại.

Đối với cây sầu riêng những đợt ra hoa đầu vụ chính là thời điểm mà côn trùng chích hút tấn công rất mạnh và làm rụng hàng loạt. Ngoài bọ xít còn có một số đối tượng khác như nhện đỏ, rầy xanh, ruồi, bọ ánh kim, ... cũng tấn công và gây ra hiện tượng tương tự. Đặc biệt, bệnh thán thư là tình trạng phổ biến gây rụng hoa và rụng trái non trên sầu riêng.

* Biểu hiện: Cây có hoa bị khô và rụng lác đác (từ từ từng hoa). Trái non khô, rụng từ từ và có lớp trắng trắng trên trái.

* Khắc phục:

- Cần chú trọng chăm sóc cây sinh trưởng phát triển tốt, bón phân cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, giúp bộ lá khỏe, dầy, bóng sẽ hạn chế nấm bệnh tấn công.

- Phun ngừa bệnh thán thư từ khi chuẩn bị làm hoa (trước khi nhú mắt cua) đến giai đoạn cây ra hoa và trái: phun định kỳ 7-10 ngày/lần vào mùa khô hoặc 5-7 ngày/lần vào mùa mưa. (Có thể dùng thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Hexaconazole, Phosphonate, ...).

- Ngoài ra cần phun phòng trừ một số nấm có thể tấn công gây rụng hoa, rụng trái non (nếu thấy có hiện tượng cháy lá, trái sầu riêng có chấm đen, …) bằng các loại thuốc trừ nấm như Mancozeb + Metalaxyl hoặc Copper oxyclorid + Mancozeb, …

Tóm lại: Hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên cây sầu riêng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và tương ứng với từng nguyên nhân sẽ có các cách xử lý khác nhau để khắc phục. Ngoài ra, giai đoạn sầu riêng ra hoa đậu trái, ngoài việc chăm sóc đầy đủ, tỉa hoa tỉa trái phù hợp, theo dõi phát hiện sớm sâu bệnh gây hại cũng cần chú ý bổ sung thêm cho cây một số dưỡng chất nhằm cung cấp bổ sung thêm dinh dưỡng giúp trái sinh trưởng phát triển tốt, chống rụng trái và đặc biệt sẽ giúp cải thiện chất lượng trái sau này./.                                                                                                                                                                                                                                                                    Đinh Mai

 

TIN NỔI BẬT