• Tìm chúng tôi trên

ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC - GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG

02/02/2016 09:21:00 GMT+7

Hiện nay, phát triển chăn nuôi chiếm trên 50% tỷ trọng trong nông nghiệp và đang trên đà tăng trưởng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của bà con nông dân.Ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là vấn đề bức xúc và rất được quan tâm. Mặc dù các hộ chăn nuôi đã thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày, sử dụng các chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn nhưng do nguồn chất thải không được quản lý và xử lý đúng cách đã gây ra mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng người dân cũng như bản thân vật nuôi.

Hiện nay, phát triển chăn nuôi chiếm trên 50% tỷ trọng trong nông nghiệp và đang trên đà tăng trưởng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của bà con nông dân.

Ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là vấn đề bức xúc và rất được quan tâm. Mặc dù các hộ chăn nuôi đã thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày, sử dụng các chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn nhưng do nguồn chất thải không được quản lý và xử lý đúng cách đã gây ra mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng người dân cũng như bản thân vật nuôi.

Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là một tiến bộ kỹ thuật mới để giải quyết vấn đề nói trên. Từ năm 2014-2015, Trạm Khuyến nông TP BMT đã xây dựng mô hình “Nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm Blassa N01” triển khai cho 13 hộ dân ở Phường Tự An, Tân An, Tân Thành, Khánh Xuân và xã Hòa Xuân, Hòa Thuận. Mô hình đã và đang mang lại kết quả rất tốt được bà con nông dân hưởng ứng áp dụng.

Mỗi ô chuồng đệm lót có diện tích 20m2 nuôi từ 10-15 con heo thịt, kết hợp với phương pháp làm chuồng bằng đệm lót, còn sử dụng men vi sinh hoạt tính để ủ thức ăn lên men (bột bắp, cám gạo), nhằm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng sức đề kháng cho heo, hạn chế bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên vật liệu có sẵn trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương làm thức ăn cho heo mà chất lượng vẫn tương đương với việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Hiệu quả về môi trường: chất thải của heo gồm phân, nước tiểu và thức ăn dư thừa được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng nuôi dưới tác dụng của vi sinh vật có trong đệm lót, chuồng nuôi không có mùi hôi thối, hạn chế ruồi, muỗi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật: Tiết kiệm tiền nước vệ sinh chuồng trại, tiết kiệm công dọn chuồng. Nuôi heo trên nền xi măng phải dọn chuồng và tắm rửa hàng ngày, còn nuôi trên đệm lót chỉ định kỳ xới đệm (2 ngày xới 1 lần).

Heo có sức đề kháng cao, giảm được một số bệnh thông thường, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, hô hấp ở heo con. Tăng trọng bình quân đạt 0,54 - 0,65kg/con/ngày. Chi phí nuôi tăng trọng cho 1kg heo hơi dao động ở mức 35.000 - 37.000 đồng, giảm khoảng 20% chi phí thức ăn so với dùng cám công nghiệp. Chi phí làm đệm lót ban đầu cho chuồng 20m2 khoảng 1.500.000 đồng, ngoài ra toàn bộ đệm lót sau này là nguồn phân vi sinh có giá trị dinh dưỡng cao và dễ hấp thu đối với cây trồng, sử dụng nguồn phân này vừa nâng cao năng suất vừa giảm chi phí mua phân vô cơ, có thể bón trực tiếp cho cây trồng các loại mà không cần phải ủ lại.

Bà Hồ Thị Chung, ở Tổ dân phố 7 - Phường Tân Thành xây dựng chuồng nuôi với diện tích 20m2 và thả nuôi 15 con heo giống siêu nạc, đệm làm bằng vỏ trấu và mùn cưa độ dày 70cm, ủ với men Balasa N01 và bột bắp. Sau 3 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng 95kg/con, thu lãi ròng hơn 7 triệu đồng. Như vậy so với quy trình nuôi thông thường, đã tiết kiệm được 80% lượng nước, 10% lượng thức ăn, 60% công lao động mà lợi nhuận đem lại tăng 200 ngàn đồng/1con. 

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của gia đình bà Nguyễn Thị Chung (Tổ dân phố 7 - Phường Tân Thành)

            Ông Nguyễn Văn Đàn, ở Tổ dân phố 4 - Phường Tân Tiến đã thành công với mô hình nuôi gà bán công nghiệp trên đệm lót sinh học. Với 200 con gà thả nuôi trong diện tích 50m2, lót trấu với độ dày 20cm và trộn 1kg Balasa N01 với 3 kg cám gạo, rồi rắc trực tiếp lên nền đệm, định kỳ 20 ngày lại rắc men một lần, trong khi hàng ngày chỉ dùng cào nhẹ trên mặt để làm tơi xốp mặt đệm. Sau hơn 3,5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,8kg – 2,2kg/1 con, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y cho gà, có lợi nhuận trên 5 triệu đồng. Bà cho biết trong suốt quá trình nuôi không phải thay trấu, dọn phân, chuồng nuôi không có mùi hôi cũng như ruồi, muỗi và tiếp tục dùng lớp đệm này để nuôi thêm 2-3 lứa gà nữa rồi mới thay lớp đệm mới.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của gia đình ông Nguyễn Văn Đàn

(Tổ dân phố 4 - Phường Tân Tiến)

Theo ông Vương Văn Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông: Nuôi heo trên nn đệm lót có thể duy trì lớp đệm từ 3-4 năm, đệm lót vẫn phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Sau mỗi vụ nuôi, chỉ cần xới đệm ở độ sâu 30cm để cho tơi xốp. Nếu đệm lót bị sụt giảm thì bổ sung thêm chất độn mùn cưa và chế phẩm men. Chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, nguyên vật liệu chủ yếu là trấu và mùn cưa nên người dân dễ tìm, kỹ thuật làm đệm lót đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng được, phù hợp ở qui mô nông hộ và trang trại. Đối với nuôi heo nguyên liệu làm đệm gồm: Mùn cưa hoặc vỏ trấu trộn với men Balasa N01 và bột bắp theo tỷ lệ phù hợp, sau 5 ngày ủ, có thể thả vật nuôi vào. Cụ thể, với ô chuồng có diện tích 20m2, đệm dày 70cm cần khoảng 150 bao mùn cưa, bao trấu, 15kg cám gạo và 1kg men. Trong chăn nuôi gà thì làm đệm đỡ phức tạp hơn, chỉ cần đưa trấu với độ dày 15-20cm vào chuồng, sau 3-5 ngày thả gà thì mới dùng men Blasa N01 rắc vào chuồng nuôi (1kg men có thể làm đệm cho chuồng nuôi từ 30-50m2).

Trong thời gian tới Trạm Khuyến nông sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, nhân rộng mô hình sử dụng đệm lót sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra xây dựng, chuyển giao các ứng dụng công nghệ sinh học khác như sử dụng cho nuôi thỏ, ngan, vịt, xử lý ao hồ, ủ phân tươi, khử mùi hố chứa phân, nước tiểu, cống rãnh, bể phốt, biogas tạo điều kiện cho nghề chăn nuôi phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho các hộ dân. Từ thành công của mô hình “nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học” nâng cao đời sống cho nông dân và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới./.

                                                                Lê Đức Ninh

                                                            Trạm Khuyến nông TP.BMT                                                                    

TIN NỔI BẬT