Khuyến nông Đắk Lắk với phát triển chăn nuôi bò bền vững, thích ứng ứng với biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc: 28/08/2017
Cập nhật lúc: 28/08/2017
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự rộng, mật độ dân số thưa, có điều kiện sinh thái phù hợp với phát triển chăn nuôi bò, do đó định hướng cho chiến lược phát triển Tây nguyên tại quyết định 168/2001/QĐ-TTg của Chính phủ đã khẳng định: “Tỉnh Đắk Lắk một trong những tỉnh Tây Nguyên có điều kiện phát triển chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi trâu bò”,
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự rộng, mật độ dân số thưa, có điều kiện sinh thái phù hợp với phát triển chăn nuôi bò, do đó định hướng cho chiến lược phát triển Tây nguyên tại quyết định 168/2001/QĐ-TTg của Chính phủ đã khẳng định: “Tỉnh Đắk Lắk một trong những tỉnh Tây Nguyên có điều kiện phát triển chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi trâu bò”, Tỉnh Ủy và Ủy ban Nhân dân Đắk Lắk trong các nhiệm kỳ vừa qua đã có những nghị quyết, các chương trình hành động chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh, trong đó bò là loại vật nuôi được ưu tiên khuyến khích phát triển. Nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, đàn bò của tỉnh trong những năm qua liên tục gia tăng, đế năm 2015, tổng đàn bò đạt đến 191.600 con.
Chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh bằng bò đực giống ZêBu và thụ tinh nhân tạo do Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk triển khai thực hiện liên tục từ những năm 1990 cho đến nay đã góp phần cải thiện dần được tầm vóc và chất lượng của đàn bò; tỷ lệ bò lai ước đạt 34% tổng đàn. Tuy vậy, người chăn nuôi bò hiện tại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức sau :
Một là : Chăn nuôi bò chịu sự tác động lớn, trực tiếp của biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Diện tích đồng cỏ tự nhiên, bải chăn thả ngày càng thu hẹp; Diện tích rừng phần lớn đã có chủ không thể thả bò vào rừng như trước đây; trong thập kỷ vừa qua hầu như năm nào dịch bệnh cũng xảy ra trên địa bàn (đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng đã gây nhiều tổn thất cho người chăn nuôi)... làm hạn chế sự đầu tư từ bên ngoài vào địa phương.
Hai là : Phần lớn người chăn nuôi bò là hộ nông dân nhỏ lẻ, phân tán bình quân mỗi hộ có 3 – 5 con, tất cả mọi công việc từ mua bò giống, đầu tư chuồng trại, chăn thả cho đến bán sản phẩm đều do nông dân tự làm; mục đích nuôi bò của họ có thể là nuôi bò sinh sản, bán thịt, bán giống và lấy phân bón cho trồng trọt. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều chăn thả tự do trên bãi chăn thả tự nhiên, đồng bãi chăn thả chủ yếu là vùng đất trống cây bụi, dưới tán rừng hoặc ruộng lúa, hoa màu sau khi thu hoạch, đàn bò chủ yếu sử dụng thức ăn thô xanh, chỉ có một số ít hộ nuôi bò chuyên thịt với các giống Brahman, Charoline, Abondance, Red Angus, BBB…là nuôi nhốt cho ăn tại chuồng bằng cỏ trồng hoặc phụ phế phẩm nông nghiệp …
Ba là : Hình thức chăn nuôi bò tập trung với quy mô lớn còn ít. Trên địa bàn tỉnh hiện nay tuy đã có nhiều hộ nông dân đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại, tính đến năm 2016 toàn tỉnh có 105 trang trại chăn nuôi bò, bình quân mỗi trang trại chăn nuôi 60 – 70 con, có hộ nuôi trên 100 con. Các trang trại đều nuôi bò cái sinh sản, bò đực giống lai nhằm tự túc giống nuôi thịt và bán con giống. Trong toàn tỉnh có 03 đơn vị chăn nuôi tập thể với quy mô tương đối : Công Ty Cà phê Ea Pôk có khoảng 600 bò; Công Ty Cao su Krông Buk có khoảng 450 bò; Công Ty giống cây trồng - vật nuôi tỉnh có khoảng 350 bò) các đơn vị này đã đầu tư xây dựng cơ bản chuồng trại đồng thời quy hoạch và xây dựng một số diện tích đồng cỏ, bãi chăn thả ổn định. Hiện nay Công ty Sao đỏ đang triển khai dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt ngoại với quy mô lớn trên địa bàn Huyện M’Đrắk; hy vọng khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ mở ra cho địa phương một hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc.
Để định hướng cho ngành chăn nuôi bò được kết quả khả quan, theo chúng tôi những người làm công tác khuyến nông cần phải thực hiện tốt những việc sau:
* Đối với chương trình dùng bò đực Zê bu
- Rà soát tuyển chọn các đực giống lai Zê-Bu đã được sản xuất ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo, chương trình cải tạo đàn bò trước đây ở từng thôn buôn, xã phường đưa vào quy hoạch sử dụng tại địa phương, phần thiếu hụt cần xây dựng phương án bổ sung.
- Sử dụng phương thức nhảy trực tiếp giữa bò đực giống lai Zê-Bu với đàn bò cái nền địa phương.
- Vận động người dân loại (thiến) bò đực giống địa phương ra khỏi đàn bò cái.
* Đối với chương trình thụ tinh nhân tạo
Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển mạng lưới dẫn tinh viên. Đào tạo và nâng cao tay nghề, tăng cường việc quản lý và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và dẫn tinh viên.
Tuyển chọn đàn bò nền cho phối tinh đông lạnh giống chuyên dụng cho ra đàn bò cái nền 50 - 75% máu lai Zê Bu, Brahman, áp dụng một số công thức lai phù hợp tạo ra một số giống bò có chất lượng thịt cao nhằm tạo ra thương hiệu thịt bò Đắk Lắk.
Bê lai Brahman tại xã EaKpam huyện Cư Mgar
* Để giải quyết Thức ăn chăn nuôi
- Xây dựng các mô hình trồng cây thức ăn cho bò, một số giống cỏ năng suất cao được đưa vào sử dụng như: Cỏ VA 06, cỏ Ghi nê, cỏ hỗn hợp năng suất cao nhằm chủ động có đủ lượng thức ăn thô xanh. Ngoài những loại cây hoà thảo, trồng thêm một số diện tích cây họ đậu nhằm bổ sung nguồn prôtein cho gia súc.
- Tuyên truyền, phổ biến ứng dụng các kỹ thuật chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho bò trong mùa khô như: Phơi cỏ khô, đóng bánh cỏ, ủ chua thức ăn, nghiền đóng viên bột cỏ; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới vào trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: Chăn nuôi thâm canh theo khẩu phần, các kỹ thuật rơm ủ Urê, làm bánh dinh dưỡng, .. Sử dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp sẳn có của nông hộ vào chế biến thức ăn: Thân ngô, rơm, cây lá sắn ..Sử dụng các phụ phẩm công nghiệp: Rỉ mật đường, bã bia, bã dứa ( Đã có kế hoạch xây dựng các nhà máy này tại Buôn Ma thuột, Đắk Lắk), bả sắn ( nhà máy tinh bột sắn Ea Kar, Krông Bông, Cư Mgar), để làm thức ăn cho bò nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng thịt bò.
* Công tác Thú y
Tổ chức tập huấn cho nông hộ chăn nuôi: vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho gia súc và chăn nuôi bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Đào tạo kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo, thú y cho chuyên ngành chăn nuôi bò. Thực hiện tốt các biện pháp thú y, tiêm phòng đầy đủ các loại vacine (đặc biệt là FMD), điều trị và phòng trừ các bệnh dịch, bệnh ký sinh trùng, làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật.
Song song với các hoạt động kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động:
- Tổ chức các câu lạc bộ nhằm tập hợp những nông hộ tham gia nuôi bò ở các địa phương để có sự liên kết và phát triển ổn định, tạo ra một thế mạnh về nội lực trong cộng đồng dân cư.
- Liên kết với khoa Chăn nuôi - Thú y của trường Đại học Tây nguyên, Viện khoa học Nông lâm nghiệp Tây nguyên, Viện chăn nuôi tham gia các chương trình dự án về chăn nuôi bò để có sự chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò vào thực tiễn sản xuất.
Thông qua công tác khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên tuyền nhằm giới thiệu, trao đổi thông tin, cách làm phù hợp trong cộng đồng dân cư, tham gia xây dựng thương hiệu Bò của địa phương để có đầu ra của sản phẩm ổn định đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, vận động người chăn nuôi tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về giống, quản lý các dự án đầu tư có hiệu quả nhất.
Thạc sỷ Ngô Nhân- GĐ TT KN Tỉnh Đắk Lắk