Khuyến nông Đắk Lắk với các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất năm 2016
Cập nhật lúc: 11/01/2017
Cập nhật lúc: 11/01/2017
Năm 2016 là một năm khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp địa phương nói chung và ngành khuyến nông nói riêng, diễn biến thời tiết bất thường gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện mô hình, đặc biệt là tình hình khô hạn cục bộ làm thiệt hại cũng như hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng
Năm 2016 là một năm khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp địa phương nói chung và ngành khuyến nông nói riêng, diễn biến thời tiết bất thường gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện mô hình, đặc biệt là tình hình khô hạn cục bộ làm thiệt hại cũng như hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng. Bên cạnh đó công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn như địa bàn rộng, nhiều khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân không đồng đều; nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và ngân sách tỉnh dành cho các hoạt động khuyến nông còn ít, ở một số huyện nguồn kinh phí khuyến nông hàng năm cũng hạn chế, nhất là kinh phí dành cho các hoạt động khuyến nông ở cơ sở cũng phần nào ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động khuyến nông. Khắc phục những khó khăn trên, hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh đã vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch theo các đầu mục công việc Sở Nông nghiệp giao.
Trong năm 2016, để tiếp tục thực hiện Kế hoạch xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở theo Nghị quyết 41/2011/NQ-HĐND, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương và các Trạm Khuyến nông trong tỉnh thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra, các địa phương tiếp tục rà soát thay thế nhân sự phù hợp, đào tạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở đảm bảo theo kế hoạch, đến nay toàn tỉnh có 210 Khuyến nông viên xã và 2.010 Cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, mạng lưới này đã có những đóng góp tích cực cho nông nghiệp địa phương.
Công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn được Trung tâm xem đây là nhiệm vụ chính trị. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các Trạm Khuyến nông thực hiện 03 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với 94 học viên tham gia, trong đó dân tộc thiểu số có 91 người với các nội dung: Trồng và chăm sóc cây Tiêu; Trồng và chăm sóc cây cà phê; Chăn nuôi bò. Các lớp dạy nghề đã hoàn thành kế hoạch cũng như chất lượng đào tạo, đáp ứng được mục tiêu nội dung chương trình
Lớp dạy nghề “Trồng và chăm sóc cây hồ tiêu” năm 2016
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động khuyến nông, được quan tâm đầu tư cả về kinh phí và nguồn nhân lực, trong năm qua công tác huấn luyện đào tạo và thông tin tuyên truyền đã có những bước khởi sắc: Năm 2016, hệ thống khuyến nông tỉnh đã thực hiện được 37 lớp cho 1.547 lượt người, trong đó dân tộc thiểu số có 551 lượt người, chiếm 35,6%; nữ có 366 lượt người, chiếm 23,7%. Tập huấn kỹ thuật cho nông dân thực hiện được 599 lớp tập huấn cho 25.784 lượt nông dân tham gia, trong đó dân tộc thiểu số có 8.776 lượt người, chiếm 34%; nữ có 6.870 lượt người, chiếm 26,6%; hộ nghèo có 2.005 lượt người, chiếm 7,8%. Các lớp tập huấn đã có những thay đổi trong nội dung và phương pháp tiếp cận, tập trung nâng cao năng lực thực hành cho học viên, khai thác triệt để học tập tại hiện trường đã phát huy được hiệu quả tích cực trong đào tạo, tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nông dân.
Để đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình đã triển khai, hệ thống khuyến nông tỉnh đã thực hiện được 110 cuộc hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình với 6.887 lượt người tham gia, trong đó dân tộc thiểu số có 1.606 lượt người, chiếm 23,3%; nữ có 2.066 lượt người, chiếm 30%; hộ nghèo có 504 lượt người, chiếm 7,3% và phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hoạt động khuyến nông, mô hình sản xuất giỏi của nông dân được 165 tin; in 18.680 tờ rơi; cấp phát 36.675 tờ rơi và tài liệu kỹ thuật; 1.313 cuốn sách kỹ thuật. Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông còn cải tiến nội dung trang thông tin điện tử khuyến nông Đắk Lắk nhằm nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền trên trang web, thường xuyên cập nhật tin tức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động khuyến nông, giới thiệu các mô hình khuyến nông có hiệu quả trên website; tư vấn, giải đáp trực tuyến những thắc mắc của bà con nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, các loại giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, tổng cộng giải đáp 63 câu hỏi. Tính đến nay trang web đã thu hút hơn 1,955 triệu lượt truy cập. Trang web khuyến nông thật sự là cầu nối giữa bà con nông dân với hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh.
Bám sát mục tiêu, phương hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh và yêu cầu của bà con nông dân, trong năm 2016 hệ thống khuyến nông tỉnh đã thực hiện xây dựng được 69 mô hình trình diễn về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với tổng số 335 hộ tham gia, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số có 147 hộ, chiếm 43,8%, thực hiện một số chương trình thử nghiệm sản xuất về giống cây trồng (lúa lai, ngô lai, đậu tương), các loại phân bón cho cây trồng. Thông qua công tác thử nghiệm đã tiếp tục góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn sản xuất của địa phương.
Mô hình nuôi Gà An toàn sinh học triển khai tại huyện CưKuin, tỉnh Đắk Lắk
Ngoài công tác xây dựng các mô hình trình diễn, thử nghiệm sản xuất, Trung tâm còn trực tiếp triển khai một số chương trình, dự án khuyến nông khác như: Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, chương trình thử nghiệm sản xuất, dự án khí sinh học, dự án VnSAT; Chương trình Phát triển cà phê bền vững-Hợp tác công tư (PPP); Chương trình sản xuất cây giống phục vụ tái canh cà phê. Các chương trình, dự án đã thu hút thêm nguồn kinh phí cho công tác khuyến nông, có những đóng góp thiết thực góp phần nâng cao dân trí, trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức sản xuất của bà con nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đó là mạnh ở khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhưng chưa có sự đầu tư nhiều ở tổ chức sản xuất, thị trường, vốn, hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông còn chưa phát triển đúng tầm để đáp ứng nhu cầu sản xuất và năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông viên cơ sở còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý, điều hành, sử dụng lực lượng khuyến nông viên cơ sở chưa được đồng nhất và gắn kết chặt chẽ. Mức chi trả phụ cấp cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở còn thấp, chưa đủ để động viên, khuyến khích đội ngũ này làm việc, từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng công tác và hiệu quả hoạt động.
Để hoạt động khuyến nông trong thời gian tới đạt hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất ngày càng cao của nông dân, cần có sự quan tâm chỉ đạo và tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa đối với hoạt động khuyến nông các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành có liên quan như tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí để triển khai hoạt động khuyến nông ở địa phương đặc biệt là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình Mô hình trồng cỏ triển khai tại TP Buôn Ma Thuột quy mô 01 ha, 03 hộ tham gia, năng suất 120 tấn/ha/lứa
Trên cơ sở chỉ tiêu phương hướng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và những kết quả đạt được, khuyến nông Đắk Lắk tiếp tục triển khai các chương trình, dự án phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống cho bà con nông dân; tập trung các chương trình khuyến nông phục vụ cho mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh cũng như mục tiêu an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và sản xuất theo hướng bền vững, đặc biệt quan tâm đến chương trình khuyến nông đưa vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp và của quốc gia: tái cơ cấu ngành và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hoàng Liên