HUYỆN M'ĐRẮK: HỒ TIÊU MẤT MÙA, MẤT GIÁ
Cập nhật lúc: 16/05/2017
Cập nhật lúc: 16/05/2017
Nông dân huyện M'Đrắk đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2017. Tuy nhiên, sau một năm nỗ lực chống chọi với bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại hàng trăm héc-ta, giá hồ tiêu lại tiếp tục giảm sâu khiến người nông dân kém vui.
Nông dân huyện M'Đrắk đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2017. Tuy nhiên, sau một năm nỗ lực chống chọi với bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại hàng trăm héc-ta, giá hồ tiêu lại tiếp tục giảm sâu khiến người nông dân kém vui.
Xã Ea Lai hiện có 332 ha hồ tiêu, trong đó có 136 ha tiêu kinh doanh, 116,5 ha tiêu chăm sóc và 79,8 ha tiêu trồng mới. Đợt mưa kéo dài cuối năm 2016 đến đầu 2017 khiến gần 88,3 ha với 107.088 cây hồ tiêu bị chết do ngập úng ở hầu hết các thôn có diện tích đất trồng tiêu. Đến thời điểm này, xã Ea Lai đã thu hoạch trên 70% diện tích, năng suất ước đạt 3,6 tấn/ha, tuy nhiên, những gốc hồ tiêu bị ảnh hưởng ngập úng giảm hơn 50% năng suất. Cùng với năng suất thấp, giá hồ tiêu thị trường cũng tiếp tục giảm sâu, dao động từ 95.000 - 105.000 đồng/kg (giảm 50 – 100.000 đồng/kg so với niên vụ trước - đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm trở lại đây), khiến người trồng hồ tiêu lo lắng.
Dù tiêu mất mùa, rớt giá nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn gấp 3 - 4 lần so với các loại cây trồng khác, vì vậy nhiều hộ dân vẫn quyết tâm “bám” cây tiêu. Ông Võ Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã Ea Lai, cho biết: Để có biện pháp hỗ trợ người trồng tiêu, xã đã thống kê diện tích hồ tiêu và có phương án quy hoạch vùng hợp lý nhằm hạn chế tối đa bệnh hại và tìm đầu ra ổn định; đồng thời, khuyến cáo nông dân tập trung thâm canh tăng năng suất, không nên phát triển ồ ạt, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật theo phương pháp sinh học kết hợp trồng xen với các loại cây khác nhằm tạo môi trường sinh thái, tăng thêm thu nhập, tránh được thiệt hại lớn khi cây tiêu gặp sự cố hoặc giá tiêu lao dốc.
Nông dân huyện M'Đrắk đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu. |
Theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu của huyện M’Đrắk khoảng 460 ha, tuy nhiên thống kê đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có 580,8 ha hồ tiêu, đạt 114,9% kế hoạch năm và diện tích tiêu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà đang tăng nhanh hằng năm. Trong đó, xã Ea Lai là địa phương có diện tích tiêu lớn nhất với hơn 332 ha, các xã còn lại phổ biến khoảng từ 10 - 60 ha. Hồ tiêu thực sự trở thành cây làm giàu và mang lại thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông dân, tuy nhiên cũng chính cây hồ tiêu đã đẩy nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay. Điển hình như năm vừa qua, có những thời điểm tiêu bị chết trên diện rộng khiến không ít hộ thiệt hại rất nặng nề nhưng bà con vẫn thế chấp tài sản vay vốn trồng hồ tiêu bằng mọi giá. Nguy hiểm hơn, nhiều diện tích tiêu vừa chết, bà con đã nhanh chóng xử lý đất và vội vàng xuống giống ngay vụ này, trong khi các nhà chuyên môn khuyến cáo cần có thời gian xử lý đất để diệt tận gốc mầm bệnh hoặc chuyển đổi sang trồng cây trồng khác một vài năm nhằm tránh tình trạng bệnh trở lại trong những năm sau.
Thiết nghĩ, trước thực trạng người dân sẵn sàng “đánh cược” với cây hồ tiêu, tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển ồ ạt theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, bỏ qua những khuyến cáo nguy cơ thì chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn trong thực hiện và quản lý sản xuất bằng quy hoạch. Mặt khác, người trồng hồ tiêu cần có cái nhìn thấu đáo hơn, không chạy theo diện tích mà tập trung vào thâm canh, sản xuất sản phẩm an toàn để có đầu ra ổn định, tránh bị thiệt hại nặng nề khi rủi ro xảy ra.
Thu Nguyệt