Huyện Krông Năng: Tập huấn cho nông dân về “Sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm”
Cập nhật lúc: 16/09/2022
Cập nhật lúc: 16/09/2022
Thực hiện Chương trình Sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn Tài nguyên và An sinh xã hội huyện Krông Năng, từ ngày 26/8/2022 đến ngày 31/8/2022 Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng triển khai tập huấn cho nông dân trên địa bàn các xã: Cư Klông; Ea Tam; Ea Dăh; Tam Giang; Phú Xuân và Thị trấn Krông Năng, với chủ đề: (i) Sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm; (ii) Quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước; (iii) Quản lý cỏ dại, quản lý thảm phủ; (iv) tưới nước tiết kiệm; và (v) Tăng cường bón phân hữu cơ/phân sinh học, giảm thiểu sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thức vật cấm…, đợt tập huấn đã thu hút được gần 1.000 lượt bà con nông dân tham gia.
Ông Lê Ký Sự - Trưởng phòng NN&PTNT - Tổ trưởng tổ thư ký Ban chỉ đạo Chương trình Compact huyện phát biểu khai mạc
Đợt tập huấn được triển khai với sự hỗ trợ, phối hợp tổ chức của IDH, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, Phòng văn hóa thông tin, đài truyền hình huyện, công ty TMT và UBND các xã thuộc huyện; Các chủ đề được giới thiệu và chia sẻ với bà con nông dân theo phương pháp có sự tham gia, bà con nông dân cùng nhau trao đổi các vấn đề trong sản xuất, những khó khăn thách thức mà họ đang gặp phải và qua thảo luận bà con nông dân đã đưa ra các giải pháp “làm thế nào để sản xuất được bền vững hơn".
Các giảng viên đã chia sẻ, cập nhật cho bà con những thông tin về thị trường, và xu hướng thị trường; đồng thời cũng chia sẻ những hình ảnh sản xuất không bền vững qua các bài viết, phóng sự của phóng viên báo Nông nghiệp, cảnh báo của các nhà khoa học về sản xuất không bền vững..., hướng dẫn bà con phương pháp làm việc nhóm, thảo luận các chủ đề liên quan.
Học viên tham gia thảo luận nhóm
Phương pháp tập huấn có sự tham gia đã thực sự mang lại một không khí hào hứng, sôi nổi đối với bà con nông dân đặc biệt là trong quá trình thảo luận nhóm, các giảng viên đã chia lớp tập huấn ra các nhóm nhỏ (10-15 người một nhóm), mỗi nhóm sẽ thảo luận theo các chủ đề khác nhau, như: (i) Hiện bà con nông dân đang gặp phải những khó khăn, thách thức gì trong sản xuất?; (ii) Những vấn đề về chất lượng sản phẩm?; (iii) Vấn đề thị trường? (iv) Giải pháp nào để hạn chế, khắc phục những khó khăn/thách thức mà bà con đang gặp phải?. Kết quả thảo luận nhóm sẽ được các nhóm tổng hợp trên giấy A0, sau đó sẽ cử đại diện nhóm lên trình bày kết quả.
Giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc lớp tập huấn
Sau 6 ngày triển khai các lớp tập huấn về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm cho nông dân tại 6 xã: Cư Klông; Ea Tam; Ea Dăh; Tam Giang; Phú Xuân và thị trấn Krông Năng, với sự hướng dẫn nhiệt tình, và chia sẻ thông tin cập nhật về thị trường từ các giảng viên, với phương pháp có sự tham gia của bà con nông dân, lấy nông dân làm chủ thể, các buổi tập huấn đã thu hút được sự quan tâm tham gia của bà con nông dân, các vấn đề liên quan tới thực trạng sản xuất, sản xuất bền vững được trao đổi, thảo luận sát với thực tế, đặc biệt là các giải pháp làm thế nào để sản xuất nông nghiệp được bền vững cũng được chính người dân thảo luận đưa ra với sự đồng thuận cao./.
Chương trình “Sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn tài nguyên và An sinh xã hội huyện Krông Năng” còn gọi là “Compact Krông Năng” do IDH phát triển và tài trợ, được thực hiện trên phạm vi cấp huyện, bao gồm 12 đơn vị cấp xã, thị trấn với diện tích 23.132 ha cà phê, 3.665 ha hồ tiêu và 5.167 ha cây ăn quả các loại. Chương trình hướng tới các mục tiêu, (i) Bảo tồn nguồn tài nguyên đất, nước, và tài nguyên rừng (Bảo tồn); (ii) Sản xuất bền vững, tăng cường bón phân hữu cơ/phân sinh học, giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc BVTV, tăng tỷ lệ cây trồng xen, cây che bóng, cây phân tán, quản lý thảm phủ đất, tăng tỷ lệ tưới từ nguồn nước mặt, và sử dụng nước hiệu quả (Sản xuất bền vững), và (iii) Tăng thu nhập cho nông dân, thông qua việc giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập từ cây trồng xen, và kết nối / tiếp cận thị trường (An sinh). |
Phương Thủy
Trạm Khuyến nông huyện Krông Năng