HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2019, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2019
Cập nhật lúc: 16/07/2019
Cập nhật lúc: 16/07/2019
Sáng ngày 12/7/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị "Sơ kết công tác khuyến nông 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019".
Nhằm sơ kết đánh giá công tác khuyến nông trong 6 tháng đầu năm 2019 và rà soát, triển khai kế hoạch khuyến nông 6 tháng cuối năm 2019. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị "Sơ kết công tác khuyến nông 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019". Về dự Hội nghị gồm có Cấp ủy chi bộ Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng vật nuôi; Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm; lãnh đạo 15 Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Ngô Nhân – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, thông qua dự thảo Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019
Báo cáo tại Hội nghị, Đồng chí Ngô Nhân – Giám đốc Trung tâm nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động Khuyến nông trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông còn ít; trình độ dân trí, nhận thức của người dân không đồng đều; sản xuất nông nghiệp của người dân hầu hết còn mang tính nông hộ, nhỏ lẻ; giá cả thị trường một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định; giá các loại vật tư nông nghiệp tăng, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là việc bùng phát dịch bệnh đã gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi. Từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động khuyến nông nói riêng và sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nói chung.
Nhưng với quyết tâm và nỗ lực vượt khó, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp sử dụng tốt các nguồn lực thực hiện các chương trình khuyến nông phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp của địa phương; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao: Đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), đặc biệt là công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân. Các nội dung tập huấn chuyển giao kỹ thuật phong phú, xuất phát từ chính nhu cầu của bà con nông dân, tập trung vào các đối tượng cây trồng vật nuôi người dân đang quan tâm phát triển sản xuất. Bên cạnh công tác tập huấn chuyển giao KHKT thì việc xây dựng thành công các mô hình trình diễn đã giúp người nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ kỹ thuật, học tập thực tế từ các mô hình và áp dụng vào sản xuất. Góp phần nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; chuyển dịch sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang hướng phát triển kinh tế trang trại, Hợp tác xã; Tổ hợp tác... sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tập huấn triển khai Nghị định 83 về công tác Khuyến nông
Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được Trung tâm chú trọng, cụ thể hóa trong công tác xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông và triển khai diện rộng, ưu tiên tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, VietGAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến nông gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường sử dụng giống chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín, chăn nuôi không mùi, công nghệ xử lý chất thải, các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu như: Mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính; Mô hình lúa thuần chất lượng cao vụ Đông Xuân 2018 – 2019; Mô hình thâm canh cây điều ghép theo GAP; Chương trình lúa lai diện rộng vụ Hè thu năm 2019; Mô hình nuôi gà an toàn sinh học; Mô hình phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò; Mô hình trồng thâm canh cam, quýt xen ổi theo GAP; Mô hình trồng thâm canh nhãn theo GAP; Mô hình thủy sản theo hướng VietGAP; Mô hình dê sinh sản,… Đặc biệt, việc thực hiện công tác khuyến nông được Trung tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tình hình mới như: Triển khai mô hình nuôi thủy cầm kết hợp với mô hình lúa thuần vụ Hè thu nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giảm vật tư đầu vào dự kiến tăng năng suất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích cho người dân; Mạnh dạn thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng trên chân ruộng bấp bênh – Mô hình ớt đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trên cho người nông dân và giúp bà con nông dân có thu nhập đáng kể. Điểm mới nữa là, các mô hình trình diễn năm 2019 được thực hiện tập trung ở những địa phương có lợi thế, không dàn trải như những năm trước dự kiến mang lại hiệu quả cao, góp phần thực nhiệm vụ hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ vậy, Trung tâm Khuyến nông luôn tranh thủ, tăng cường các mối quan hệ với các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương để tìm kiếm chương trình, dự án ..., phục vụ công tác của ngành, tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đó là các mô hình, dự án, chương trình: Chương trình thử nghiệm sản xuất, Chương trình sản xuất cây giống phục vụ tái canh cà phê, Chương trình thụ tinh nhân tạo, Dự án VnSAT (Dự án phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), Dự án “Xây dựng và phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị cà phê”. Qua đó người dân đã tiếp cận được những công nghệ mới, tạo sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất nông nghiệp và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, quy tụ sự tham gia của người dân và có sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng mang lại hiệu quả cao, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập cho người dân góp phần nâng cao tỷ trọng cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Học viên thực hành tại vườn
Kết luận tại Hội Nghị, Đồng chí Ngô Nhân – Giám đốc Trung tâm đã ghi nhận, đánh giá cao ý kiến, trao đổi, chia sẻ của các đại biểu và đề nghị hệ thống Khuyến nông cần tranh thủ các mối quan hệ từ các cấp, ngành và từ các doanh nghiệp để tạo nguồn lực để xây dựng, triển khai các mô hình, chương trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt là trong thời gian tới cần phối hợp, đoàn kết hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ, yêu cầu được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, hệ thống Khuyến nông toàn tỉnh đã thực hiện:170 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho 6.749 lượt nông dân tham gia (trong đó: 20 lớp tập huấn cho 800 lượt nông dân thuộc chương trình tỉnh; 150 lớp cho 5.949 lượt nông dân thuộc chương trình huyện); 40 lớp tập huấn “Sản xuất cà phê bền vững – thực hành tái canh cà phê bền vững” cho hơn 1.400 lượt nông dân; 27 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cho 1.141 lượt người tham gia (trong đó: 03 lớp tập huấn cho 86 lượt người thuộc chương trình tỉnh; 24 lớp tập huấn cho 1.055 lượt người thuộc chương trình huyện). Phối hợp với các Trạm khuyến nông, doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp gồm có: 71 mô hình, dự án khuyến nông với 891 hộ tham gia (trong đó: chương trình KNTW 07 dự án; chương trình tỉnh 15 mô hình; chương trình huyện: 49 mô hình, dự án); 06 mô hình thử nghiệm sản xuất cho 14 hộ tham gia; 12 mô hình trình diễn thuộc Dự án VnSAT (Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) cho 12 hộ tham gia. |
Nguyễn Nữ