• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Sơ kết mô hình “Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”

30/08/2023 08:54:24 GMT+7

Ngày 28/8/2023, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữaViện nghiên cứu Ngô, công ty cổ phần phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức sơ kết mô hình: “Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Vụ hè thu 2023, Mô hình sản xuất ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk với diện tích 2,0 ha; Giống ngô sử dụng là giống LVN66 do Viện nghiên cứu Ngô lai tạo, phân bón sử dụng là phân NPK Đầu trâu: Đầu Trâu Organic đa dụng; Đầu Trâu tăng trưởng (19-12-6)+ TE; Đầu Trâu chắc hạt (16-6-19)+ TE;  Đầu Trâu NPK 14-8-6 + TE; Đầu Trâu cân bằng đất do Công ty cổ phần Bình Điền sản xuất.

Toàn cảnh buổi sơ kết mô hình

Tại hội nghị sơ kết, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện của mô hình. Theo đánh giá, Giống ngô lai LVN66 thời gian từ gieo đến thu hoạch sinh khối 80 -85 ngày. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, bộ lá xanh bền. Có khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh, hại chính; Phù hợp điều kiện khí hậu tại địa phương; Là giống ngô có sinh khối lớn phù hợp với những vùng trồng để làm nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc; Năng suất sinh khối đạt từ 87 -107 tấn/ha, mang lại lãi thuần 60 -70 triệu đồng/ha. Loại phân của công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phù hợp bón cho ngô sinh khối, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, giúp cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, bền cây giúp kéo dài thời gian thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sử dụng phân bón Đầu Trâu của Công Ty phân bón Bình Điền tạo ra hiệu quả kinh tế  cao hơn so với mức bón phân theo sản xuất đại trà khoảng 42,03 – 56,42 %, đây là cơ sở để có thể mở rộng mô hình sản xuất tại địa phương. Việc sử dụng giống ngô sinh khối giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Đại biểu thăm quan mô hình

Việc thực hiện sản xuất thương phẩm ngô sinh khối gắn liền với tiêu thụ sản phẩm tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với người dân nhằm hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có thể thấy doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với người sản xuất ngô sinh khối để thu mua ngô tươi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm là một hướng đi mới giúp bà con tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sản xuất ngô sinh khối góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị các bon thấp nhờ việc sử dụng triệt để tất cả các bộ phận của cây ngô và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín: từ làm đất, trồng ngô, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo “vòng tuần hoàn xanh”. Nhờ công nghệ biogas, chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng ngô, cải tạo đất. Việc tái tạo và tái sử dụng năng lượng vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau thành công của mô hình, khuyến khích các địa phương khác trong huyện tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu và thực hiện mô hình để tạo vùng liên kết sản xuất hàng hoá mang lại thu nhập, phát triển kinh tế./.

                                       Nguyễn Chung

 

TIN NỔI BẬT