• Tìm chúng tôi trên

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP THIẾT THỰC

25/09/2021 14:41:33 GMT+7

Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu của thế giới, Việt Nam và địa phương trước nhu cầu bảo vệ môi trường bền vững, sử dụng thực phẩm an toàn, sạch của người tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, trước những áp lực về năng suất, sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất, đã làm cho quá trình phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Đến tận bây giờ không phải người sản xuất nào tại địa phương cũng hiểu đầy đủ về nông nghiệp hữu cơ. Nếu hiểu một cách khái quát, nông nghiệp hữu cơ, là hệ thống sản xuất bền vững cho sức khỏe của đất, hệ sinh thái và đảm bảo sức khỏe con người. Tuy nhiên, đi sâu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, là quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ về nước tưới, đất không bị ô nhiễm, không sử dụng các vật tư đầu vào là phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và kích thích tăng trưởng bằng hóa chất, không dùng giống cây trồng, vật nuôi và nguyên liệu có nguồn gốc sinh vật biến đổi gen…Đây là một xu hướng sản xuất không phải dễ dàng thực hiện, mà cần có những ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học.

Sau gần 30 năm, kể từ những năm 1990 tại Việt Nam đã có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đưa nông nghiệp hữu cơ vào các dự án nông nghiệp (Sidzxe, ADDA) ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Từ năm 2005-2012, giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức phát triển nông nghiệp Châu Á của Đan Mạch (ADDA) đã ký kết Dự án về thực hành nông nghiệp hữu cơ tại 7 tỉnh phía Bắc Việt Nam, hàng ngàn nông dân được đào tạo về thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Năm 2011, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thành lập, là thành viên của Liên đoàn các phong trào hữu cơ thế giới (IFOAM), theo đó, nông nghiệp hữu cơ đã có ảnh hưởng và tác động đến nông dân nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù vậy, cho đến hiện nay, khách quan mà nhìn nhận, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, kể cả TP.Buôn Ma Thuột, diện tích sản xuất nông nghiệp trồng trọt hữu cơ cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chủ yếu là các doanh nghiệp và nhóm hộ với mô hình nhỏ lẻ sản xuất trên cây rau, cà phê, tiêu, dựa trên cơ sở tự nguyện.

Những khó khăn thực tế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương

Ngoài những thuận lợi mà tự nhiên mang lại, thì Đắk Lắk với hai mùa (mưa và khô) với độ ẩm, nhiệt độ nóng khô và gió…là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều loài sâu, bệnh phát triển lây lan, gây hại trên các loại cây trồng, việc phòng trừ là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Thực tế cho thấy, có những mùa vụ sản xuất rau quả hữu cơ, thời tiết không thuận lợi, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển yếu, sâu bệnh phát sinh mạnh, các chế phẩm sinh học chưa kịp nhân nuôi để khống chế, dịch hại bùng phát, xem như mất trắng cả một diện tích gieo trồng hữu cơ.  

Khi trao đổi với những cơ sở sản xuất hữu cơ tại TP.Buôn Ma Thuột, được biết, quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, đòi hỏi người sản xuất phải chuyên sâu về kỹ thuật ứng dụng, đầu tư công lao động nhiều, chi phí sản xuất cao, nên giá thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 2-4 lần so với sản phầm cùng loại nếu sản xuất bình thường. Ngược lại, thường năng suất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thấp hơn so với sản xuất hóa học, hình thức mẫu mã không đẹp, không bắt mắt, khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất thông thường khi mà sản phẩm hữu cơ chưa được chứng nhận. Mặt khác, thị trường trong nước cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa rộng, phần lớn dựa vào niềm tin từ chất lượng sản phẩm hữu cơ được gây dựng từ những cơ sở sản xuất có trách nhiệm và uy tín trong nhiều năm qua (chủ yếu như rau quả), trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như không có sẵn, do vậy đa số người sản xuất chưa mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hiện tại, cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa mạnh. Một số chính sách được ban hành nhưng khi triển khai thực tế, có nơi gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, nên các doanh nghiệp lớn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ chưa đầy đủ, việc tổ chức sản xuất tuân thủ quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. Hoạt động về tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam rất hạn chế.  

Một số giải pháp cần thiết thực tế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Cần khảo sát, đánh giá các điều kiện liên quan (tiểu khí hậu, đất đai, cây trồng, tưới tiêu…) để có kế hoạch cụ thể khoanh vùng cho từng loại cây trồng sản xuất hữu cơ hợp lý, xác định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo khai thác lợi thế so sánh, gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái.

- Cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hành nông nghiệp hữu cơ tại địa phương, vì hiện nay ngoài một số ít doanh nghiệp và hộ sản xuất được đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản, hoặc được đào tạo lại từ những người có thời gian học tập ở Nhật Bản, thì hầu hết những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả cán bộ khuyến nông tại địa phương chưa được đào tạo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, cần quan tâm đào tạo cho cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông và quản lý. Nếu chưa hình thành được đội ngũ quản lý, thực hành nông nghiệp hữu cơ, thì không thể phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại địa phương được.

- Cơ quan chuyên môn có liên quan cần tập trung đánh giá thực tế sản xuất hữu cơ để đề xuất xây dựng tài liệu, qui trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở.

- Khuyến cáo cho nông dân tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác tại địa phương để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đủ về lượng và cân đối về tỉ lệ cho cây trồng phát triển khỏe, kháng sâu bệnh hại tốt. Hướng dẫn sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh cao, tăng cường việc áp dụng IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thiên địch trong sản xuất hữu cơ.

Ngoài ra, cần quan tâm vấn đề kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, chế biến và cấp chứng nhận hữu cơ cho những sản phẩm đáp ứng yêu cầu, để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương ra thị trường trong và ngoài nước. Tuyên truyền, quảng bá và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các hoạt động giám sát, giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học để phục vụ đầy đủ cho sản xuất hữu cơ, để chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ của Đắk Lắk. Khảo sát, nắm bắt các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thành công tại địa phương để hỗ trợ tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các qui chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu để ứng dụng hợp lý. Hỗ trợ cấp chứng nhận, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên các sàn giao dịch, tạo điều kiện nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển bền vững hơn./.

Cẩm Lai – Trạm KN TP.BMT

Một số hình ảnh về mô hình nông nghiệp hữu cơ tại thành phố Buôn Ma Thuột

Ảnh: Vườn đu đủ hữu cơ của Công ty Liên kết nông dân tại phường Tân Hòa.

Ảnh: Anh Motoyuki Takano-cán bộ quản lý tại vườn đu đủ hữu cơ của công ty liên kết nông dân tại phường Tân Hòa

Ảnh: Mô hình hữu cơ thời kỳ đang định hình của nhóm thanh niên khởi nghiệp trẻ tại Buôn Ky, P. Thành Nhất.

 

 

 

TIN NỔI BẬT