• Tìm chúng tôi trên

SỬ DỤNG KHÁNG SINH CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG CHĂN NUÔI

06/04/2021 14:37:56 GMT+7

Thuốc kháng sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật có khả năng tiêu diệt hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Kháng sinh được sử dụng để chống lại các mầm bệnh do vi khẩn gây ra và có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn. Dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa trị bệnh cho vật nuôi không hợp lý sẽ gây hiện tượng nhờn thuốc trong điều trị, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

KHÁNG THUỐC KHÁNG SINH

Thuốc kháng khuẩn chẳng hạn như kháng sinh hay các thuốc khác là những chất có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi sinh vật. Sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe vật nuôi và năng suất. Việc này góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật nhờ đó bảo vệ sinh kế và sự bền vững của hoạt động chăn nuôi.

 Hiện nay, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành mối đe dọa hàng đầu và đang gia tăng với mức độ nguy hiểm, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ do hiện tượng kháng kháng sinh sẽ phá hủy các thành tựu về thú y và an toàn thực phẩm, sức khỏe của người tiêu dùng. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đanng trở nên trầm trọng và đáng báo động, nhiều loại vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.

Kháng thuốc xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, vi rút hay ký sinh trùng trở nên kháng lại các loại thuốc kháng khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm và các loại thuốc khác. Quá trình kháng của các mầm bệnh sẽ bị đẩy nhanh khi việc sử dụng thuốc kháng khuẩn không hợp lý hoặc quá mức cho phép. Kết quả là các thuốc trước đây vốn có hiệu lực chữa bệnh trở nên kém hoặc mất tác dụng làm giảm khả năng điều trị thành công, làm gia tăng sự phát tán mềm bệnh kháng thuốc trong môi trường. Do vậy, vấn đề kháng thuốc trong chăn nuôi là điều mà người chăn nuôi cần phải quan tâm và chú trọng trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi.

SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH SAI CÁCH

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh chính là việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi để điều trị phòng chống bệnh trên vật nuôi làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc khoongn hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng này chính là sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách.

Thuốc kháng sinh có thể tìm thấy ở rất nhiều quầy thuốc tạo nên sự tiện lợi cho người chăn nuôi có thể dễ dàng mua bán và sử dụng thuốc kháng sinh mà không có đơn hoặc hướng dẫn từ bác sỹ thú y.

Lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi

Sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng hoặc phòng chống bệnh tật. Sử dụng các kháng sinh đã bị cấm trên động vật sản xuất. Lạm dụng và sử dụng sai chất kháng khuẩn làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc và khiến việc điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn hơn đe dọa đến sức khỏe của động vật và con người. Lạm dụng để điều trị bệnh, áp dụng sai liều, dùng sai cách, sai liệu trình và không đảm bảo đủ thời gian giãn ngưng thuốc sau khi động vật được điều trị và trước khi bán sản phẩm động vật hay giết mổ động vật.

Kê đơn thuốc kháng sinh sai cách có thể không có tác dụng đối với một số vi khuẩn hoặc kết hợp sai kháng sinh hoặc sử dụng quá nhiều kháng sinh khi không cần thiết. Đáng chú ý, điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc sẽ trở nên khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan qua môi trường đặc biệt là trong khu chăn nuôi thực hiện an toàn sinh học thấp.

Khi sử dụng kháng sinh sai cách không chỉ gây hệ quả xấu trong phòng trị bệnh cho vật nuôi mà còn dẫn đến tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật gây nguy hại đến sức khỏe của con người.

GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU KHÁNG KHÁNG SINH

- Tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh: Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sỹ thú y kê đơn. Phải tuân thủ liều lượng và liệu trình điều trị chính là đảm bảo duy trì được nồng độ cho tác dụng ức chế vi khuẩn của kháng sinh trong máu và tại các vùng bị nhiễm khuẩn. Chỉ mua kháng sinh ở những cơ sở được cấp phép và bảo quản thuốc kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất. Lập sổ sách ghi chép thông tin về sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác khi sử dụng cho động vật. Thực hiện tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong thú y: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách; thực hiện nghiêm túc “3 không”: không chất cấm, không sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, không dùng kháng sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong trường hợp bác sỹ thú y yêu cầu kết quả kháng sinh đồ để xác định độ nhạy của kháng sinh để lựa chọn thuốc. Việc phối hợp kháng sinh bắt buộc phải có sự giám sát của bác sỹ thú y và chỉ được thực hiện cho các mục đích như tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng hoặc khi điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn cùng một lúc.

- Thực hiện an toàn sinh học nghiêm ngặt: Là biện pháp hàng đầu để ngăn chặn mầm bệnh và giảm nhu cầu sử dụng chất kháng khuẩn và kháng sinh. An toàn sinh học dựa trên nguyên tắc “Cách ly – làm sạch – khử trùng” với mục đích ngăn chặn mầm bệnh và loại bỏ nguy cơ lây lan của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong khu vực chăn nuôi và ngược lại cũng như sự phát tán mầm bệnh giữa các loại vật nuôi. Người chăn nuôi tập trung vào thiết kế chuồng trại, kiểm soát nghiêm ngặt ra vào khu nuôi, đảm bảo con giống và thức ăn đúng tiêu chuẩn, vệ sinh sát trùng môi trường chăn nuôi để hạn chế khả năng mầm bệnh có thể xâm nhập vào khu chăn nuôi. Khi các loại vật nuôi không có bệnh thì người chăn nuôi sẽ không cần dùng tới thuốc trong đó có thuốc kháng sinh.

- Sử dụng vaccin phòng bệnh hợp lý: Vaccin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc tiêm phòng vaccin cho đàn vật nuôi chính là một trong các biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Thực hiện tiêm phòng vacin đầy đủ cho từng loại vật nuôi

- Tăng cường sức khỏe cho vật nuôi: Sử dụng hợp lý các loại thức ăn bổ sung từ nhóm lợi khuẩn (probiotics) và acid hữu cơ. Việc bổ sung lợi khuẩn để làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa tiết ra các enzym tiêu hoa dinh dưỡng và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bổ sung acid hữu cơ để làm giảm độ pH trong ruột để làm tăng sự phát triển của những vi sinh vật có lợi, các acid hữu cơ được sử dụng như propionic, lactic, formic và butyric. Bên cạnh đó, người chăn nuôi có thể sử dụng một số loại thảo dược để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng tự nhiên, kích thích tiêu hóa và tăng chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, người chăn nuôi cần phải có trách nhiệm hơn khi sử dụng kháng sinh cho các loài vật nuôi. Sử dụng thuốc kháng sinh có những lợi ích trong việc phòng trị bệnh cho vật nuôi nhưng cũng là mối nguy hại nếu người chăn nuôi quá phụ thuộc và lạm dụng vào chúng sẽ gây nên hiện tượng kháng kháng sinh, tồn dư kháng sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của vật nuôi và con người.

                                                                                                                                               Cao Phúc

 

TIN NỔI BẬT