• Tìm chúng tôi trên

HIỆU QUẢ TỪ DỰ ÁN “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH TRỒNG XEN MỘT SỐ LOẠI CÂY ĂN QUẢ TRONG VƯỜN CÀ PHÊ VÙNG TÂY NGUYÊN”

23/12/2021 14:01:26 GMT+7

Với mục tiêu đa dạng hóa cây trồng và sản phẩm, thông qua xây dựng mô hình việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào vườn cà phê đã nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác và góp phần phát triển cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã bảo vệ thành công dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên”.

Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk chủ trì và triển khai thực hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2021, các giống cây ăn quả được sử dụng để trồng xen trong vườn cà phê là Bơ và Sầu riêng.

Ảnh: Mô hình dự án trồng xen bơ và sầu riêng trong vườn cà phê

Kết quả thực hiện dự án

Qua 03 năm triển khai thực hiện tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, quy mô 115 ha với 115 hộ tham gia (20 ha trồng mới năm 2021; 60 ha chăm sóc năm thứ 2 và 35ha chăm sóc năm thứ 3). Trên cơ sở sự phù hợp của dự án với nhu cầu thực tế của sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên, được sự quan tâm chỉ đạo nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, các ban ngành liên quan, cán bộ tham gia thực hiện dự án nhiệt tình, có năng lực. Ngoài sự hỗ trợ 70% về giống và vật tư phân bón, trong quá trình thực hiện, dự án đã triển khai 23 lớp tập huấn trong mô hình cho 115 hộ dân và 12 lớp tập huấn ngoài mô hình cho 358 hộ dân có nhu cầu trên địa bàn các tỉnh tham gia dự án về quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc cây cây sầu riêng, cây bơ trồng xen trong vườn cà phê kinh doanh, kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng bền vững; tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, sơ kết, tổng kết mô hình dự án để giới thiệu, đánh giá các kết quả thực hiện mô hình. Đến nay, sau 03 năm triển khai thực hiện, dự án đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan: Duy trì năng suất cà phê sau trồng xen đạt > 3,0 tấn nhân/ha. Cây ăn quả bơ (giống Booth, TA01) và sầu riêng (giống Dona, Ri6) tại các mô hình được trồng theo đúng quy trình trồng xen (Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018) đạt tỷ lệ sống > 95%, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.  Đối với các mô hình chăm sóc năm thứ 3 (trồng năm 2019), cây bơ đã cho thu hoạch bói với năng suất bình quân đạt 924kg/ha, cây sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, sinh trưởng phát triển tốt; Hiệu quả kinh tế đạt được từ mô hình dự án tăng 25,76% so với ngoài mô hình. 

Ảnh: Năm thứ 3 sau trồng, cây sầu riêng và bơ sinh trưởng phát triển tốt

Hiệu quả dự án mang lại

Dự án có tác động lớn đến hoạt động và hiệu quả sản xuất của các hộ tham gia xây dựng mô hình, việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây ăn quả xen trong vườn cà phê theo đúng quy trình kỹ thuật (thay thế 70 cây ăn quả vào vị trí cây cà phê) đã tạo ra vườn cà phê thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại, vì vậy bước đầu đã góp phần giảm được lượng phân bón, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật và năng suất cà phê vẫn được duy trì ổn định đạt > 3,0 tấn nhân/ha, giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững cây cà phê tại địa phương. Dự án không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế sau khi cây ăn quả cho thu hoạch mà trồng xen canh còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, giúp người dân có thể hạn chế được rủi ro về giá cả khi thị trường nông sản ngày càng biến động khó lường, góp phần tạo thêm việc làm và ổn định đời sống cho cư dân nông thôn.

Việc bón phân cân đối, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che phủ, cây chống xói mòn, cây che bóng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… theo đúng quy trình kỹ thuật giúp bảo vệ môi trường đất, giữ gìn độ phì đất và hạn chế sự phát triển của các loại bệnh hại nguy hiểm. Ngoài ra, cây trồng xen còn có tác dụng che bóng, chắn gió, điều hòa khí hậu, hạn chế tình trạng bốc hơi nước vào mùa khô nên tiết kiệm nước tưới khoảng 20% so với trồng thuần. Bộ rễ của cây ăn quả trồng xen canh còn có vai trò nhất định trong việc tích trữ và gìn giữ nguồn nước ngầm trong đất.

Ảnh: Mô hình dự án tại tỉnh Đắk Nông

Ảnh: Mô hình dự án tại tỉnh Gia Lai

Ảnh: Mô hình dự án tại tỉnh Lâm Đồng

Ảnh: Hội nghị tổng kết dự án

Có thể nói, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên. Thành công của dự án cũng cho thấy khả năng nhân rộng rất tốt. Dự án thực hiện sẽ là động lực có tính đột phá trong việc tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn (cánh đồng mẫu), việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà phê cho sản xuất ở quy mô lớn góp phần cải thiện năng suất và chất lượng cà phê Việt Nam. Đặc biệt đây là một trong những giải pháp có tính quyết định đến sản xuất cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu./

                                   Đinh Mai – TT Khuyến nông, GCTVN&TS Đắk Lắk

 

 

TIN NỔI BẬT