• Tìm chúng tôi trên

Trung tâm Khuyến nông - Giống CTVN&TS: Tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp điển hình

11/08/2023 16:54:59 GMT+7

Từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương, trong 04 ngày từ 07/8/2023 đến ngày 10/8/2023, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông - Giống CTVN&TS tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Đỗ Danh Phương - Phó Giám đốc, phụ trách Trung tâm làm trưởng đoàn đã có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình điển hình về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình canh tác theo hướng hữu cơ tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Cùng tham gia đoàn công tác có viên chức thuộc các phòng chuyên môn Trung tâm, cán bộ khuyến nông một số huyện trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện (thị xã, thành phố) được tiếp cận, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về một số mô hình điển hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, ... từ đó mạnh dạn tham mưu, đề xuất áp dụng vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong nông nghiệp tại địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là thành phố Hồ Chí Minh với trang trại sản xuất rau công nghệ cao thuộc công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Nông sản Hi - Tech với tổng diện tích 5.000 m2 hiện đang tọa lạc tại địa chỉ G1/7 đường Nguyễn Thị Bưa, ấp Xóm Mới xã Trung Lập Hạ huyện Củ Chi.

Trang trại sản xuất rau công nghệ cao thuộc Công ty CP SXTM Hi - Tech

Tại trang trại, đoàn công tác đã được các kỹ sư chuyên phụ trách về mảng kỹ thuật của vườn trực tiếp trao đổi một số kinh nghiệm trong việc gieo ươm cây con, kỹ thuật trồng ra vườn sản xuất, quản lý sâu bệnh hại, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ trong vườn và giới thiệu về hệ thống pha dinh dưỡng để cung cấp cho vườn. Ngoài ra, đoàn cũng được quản lý trang trại chia sẻ về chi phí đầu tư cơ bản của vườn, với 1.000 m2 ( năm 2020 ) bao gồm nhà màng, hệ thống quạt gió, phun sương, hệ thống thủy canh,… dao động từ 2,1 – 2,2 tỷ đồng; Chi phí đầu tư cho một vụ (chi phí vận hành bao gồm hạt giống, nhân công, dinh dưỡng, thuốc BVTV, các chi phí khác,…) là 120 triệu/vụ (20 ngày)/4.000 m2. Trung bình một ngày trang trại xuất vườn lượng rau dao động từ 200 – 250 kg, chia thành ba nhóm tiêu thụ gồm (1) các chuỗi siêu thị Genshai, Melody Mart, nhà hàng,… giá bán 20.000đ/gói rau (200 -300gram/gói), (2) khách lẻ (không thường xuyên), bán online (1 tuần/3 lần) 15.000đ/gói rau (200 -300gram/gói) và (3) chợ (hàng tồn) giá 10.000đ/gói rau (200 -300gram/gói). Đây là những kinh nghiệm quý cho các thành viên của đoàn nắm bắt để tham mưu việc áp dụng và phổ biến nhân rộng tại địa phương. Qua trao đổi đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức, triển khai thực hiện và tìm giải pháp cho những khó khăn đặc thù của địa phương.

Đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm tại trang trại

Ngày làm việc thứ hai, đoàn dừng chân tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh. Trao đổi với đoàn công tác, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm đã sơ lược về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh, về cơ cấu tổ chức và chương trình công tác khuyến nông của đơn vị. Giới thiệu mô hình để tham quan, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác được Trung tâm đưa đến tham quan mô hình trồng dâu tằm theo hướng hữu cơ tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, đây là mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện và góp phần tạo sản phẩm du lịch cho địa phương.

Đoàn công tác TTKN-GCTVN&TS Đắk Lắk làm việc tại TTKN tỉnh Tây Ninh

Đến với mô hình trồng dâu tằm theo hướng hữu cơ, điều bất ngờ cho cả đoàn là mô hình này được trồng để thu hoạch trái. Ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ vườn cho biết: Với khao khát mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm sạch và tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, năm 2021, sau 02 năm chuyên tâm cải tạo đất bằng nhiều cách như: tạo thảm thực vật, bón các sản phẩm hữu cơ,…. trên diện tích 02 hecta, gia đình ông trồng khoảng 1.000 gốc dâu tằm, kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để góp phần giảm công chăm sóc, chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình. Đối với sâu bệnh hại, ông sử dụng các biện pháp thủ công như: bắt sâu, ngắt bỏ cành lá bị sâu hại, phát quang vườn, dọn cỏ,…  ; đồng thời ông còn sử dụng các chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh. Điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đã cải tạo tốt thêm vào đó là áp dụng phương pháp canh tác hiện đại và mới, nên chỉ sau thời gian ngắn, cây dâu tằm đã sinh trưởng, phát triển tốt và có độ ngon ngọt hấp dẫn.

Mô hình trồng dâu tằm thu hoạch trái theo hướng hữu cơ

Ông Vũ còn chia sẻ thêm do vườn trồng theo hướng hữu cơ nên chi phí đầu tư cũng như chăm sóc cao, cụ thể: về chi phí đầu tư ban đầu như cải tạo đất, hệ thống tưới, cây giống,… khoảng 250 triệu/hecta, chi phí chăm sóc hàng năm dao động khoảng 100 triệu/hecta. Cây dâu tằm cho trái quanh năm và ông thu hoạch trong vòng 1 tháng thì nghỉ ngơi khoảng 3 tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần cắt tỉa cành, bón phân để nuôi cây. Do đó, gia đình tiến hành xử lý theo từng khu vực để thu hoạch trái liên tục. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch 70-80kg dâu tằm, giá dâu dao động khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg, đầu ra sản phẩm chủ yếu bán sỉ cho các tiểu thương ở thành phố Hồ Chí Minh, khách tham quan vườn địa phương. Về doanh thu khoảng 200 triệu đồng/hecta/năm, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ hecta/năm . Ngoài ra, vườn dâu cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ vườn dâu

Trại thực nghiệm trồng trọt trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh là điểm tham quan cuối cùng của đoàn công tác. Được biết, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn theo dõi thực hiện các mô hình, dự án khảo nghiệm các giống sắn kháng bệnh khảm lá. Tại buổi tham quan, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã chia sẻ với đoàn 02 giống sắn là HN3 và HN5 có khả năng kháng được bệnh khảm lá tốt nhất, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép trồng đại trà tại khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, với vai trò là đơn vị tham mưu, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp để liên tục thực hiện các đề tài, dự án nhằm tìm ra những bộ giống sắn thế hệ thích nghi với vùng đất Tây Ninh và kháng được bệnh khảm lá, có năng suất và trữ bột tốt để đảm bảo việc sản xuất có lợi nhuận cho người dân.

Đoàn công tác tham quan mô hình sắn tại Trại thực nghiệm trồng trọt, TTKN Tây Ninh

Việc tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình điển hình về nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh của đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông – Giống CTVN&TS tỉnh Đắk Lắk, với mục đích giúp cho cán bộ khuyến nông được tiếp cận, chọn lọc và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thông minh, hiện đại làm cơ sở đề xuất, xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp và hiệu quả nhằm góp phần nâng cao giá trị và phát triển một cách bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương trong thời gian tới./.

Đinh Mai

 

TIN NỔI BẬT