• Tìm chúng tôi trên

Tăng cường tổ chức tập huấn khuyến nông cho nông dân tại thực địa là phương thức hiệu quả

21/07/2023 15:41:08 GMT+7

Thời gian qua, trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân tại thực địa (vườn, ruộng, chuồng), thay cho tổ chức tập huấn trong hội trường như ngày trước, đã đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Tập huấn kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây cà phê tại vườn

Những bất cập khi tổ chức tập huấn cho nông dân trong hội trường.

Thực tế cho thấy phương thức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong hội trường có nhiều bất cập, bởi lẽ nông dân đã quen với môi trường sinh thái thông thoáng trên ruộng, vườn, chuồng trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nên sẽ bức bách nếu tập trung ngồi một chỗ hàng giờ đồng hồ trong hội trường để nghe thuyết trình những nội dung mà họ chưa xác định mục tiêu cụ thể đến nghe, sẽ không nhớ được gì sau buổi tập huấn. Hai là, nông dân muốn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật trong sản xuất mà họ đang vướng mắc, nhưng khi tham gia thụ động trong hội trường sẽ có những nội dung không vào mục đích nông dân đang cần hỗ trợ giải thích, phân tích nên không hiệu quả. Ba là, theo lý thuyết chuyên môn, có những câu từ khoa học, không thực tế nên nông dân chưa hiểu hết ý nghĩa để có sự phản hồi tương tác, trao đổi tại lớp. Hơn nữa, thời gian trình chiếu bài giảng chiếm gần hết buổi, không còn nhiều thời lượng để tương tác hai chiều. Nông dân khó nhớ sẽ hỏi gì, khi mà các slide trình chiếu chạy qua nhanh cho kịp thời gian thuyết trình. Tiếp nữa là, nông dân ngại tương tác với cán bộ kỹ thuật trong môi trường có vẻ nghiêm nghị, chưa có sự gần gũi thân thiết giữa “giảng viên – học viên”, nên không mạnh dạn đưa ra những thắc mắc, những khó khăn mà nông dân thường bắt gặp trong quá trình sản xuất để nhờ giảng viên tháo gỡ. Nông dân khó diễn tả rõ ràng những triệu chứng mà cây trồng, vật nuôi của họ đã mắc phải để cùng giảng viên đưa ra biện pháp tác động…

Trên thực tế trao đổi với một số bà con nông dân sau khi tham gia tập huấn tại hội trường thì được biết, bà con nghe xong quên ngay, nhiều kiến thức lại không có thực hành nên rất khó nhớ. Chuyển giao một chiều, không tương tác giữa người hướng dẫn và nông dân, sẽ khó mà tiếp thu được kiến thức mới, tiếp nhận kinh nghiệm, không hiểu được nguyên lý cũng như nguyên nhân sâu xa của hiện tượng, chính vì vậy sẽ không tìm ra những giải pháp phù hợp nên nông dân lúng túng khi lựa chọn biện pháp áp dụng. Chưa nói đến vấn đề người hướng dẫn, giảng viên liệu có đủ kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng để gợi ý những nội dung mà nông dân đang cần tương tác, hỗ trợ khi tập huấn tại hội trường.

Những thuận lợi khi tổ chức tập huấn cho nông dân trên thực tế tại vườn, ruộng, chuồng.

Qua nhiều lớp tập huấn cho nông dân ngoài thực địa cán bộ khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột nhận thấy, khi tổ chức tập huấn tại ruộng, vườn, đầu chuồng cho thấy sự gần gũi, gắn bó hơn giữa nông dân và cán bộ kỹ thuật, nông dân dễ dàng tiếp cận, mạnh dạn trao đổi, tương tác một cách tự nhiên hơn. Môi trường thực hành ngoài đồng ruộng thì rất đa dạng phong phú, nông dân có cơ hội để hỏi, trao đổi tương tác với cán bộ hướng dẫn. Khi được cán bộ kỹ thuật chia sẻ, phân tích các triệu chứng thực tế trên cơ sở khoa học, kiến thức thực tiễn cộng với kinh nghiệm, không những chỉ giúp cho nông dân tự tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp nhất áp dụng vào sản xuất, mà còn phát huy tính sáng tạo của nông dân. Tại ruộng, vườn, chuồng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thông qua các hoạt động quan sát, trao đổi, chia sẻ và thực hành, nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng mới, tự mình phân tích, lựa chọn và mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật phù hợp vào sản xuất của gia đình mình. Chủ đề tập huấn tại ruộng, vườn, chuồng không đơn điệu, dài dòng như tập huấn hội trường. Thời gian tập huấn cũng không kéo dài, nông dân tiếp cận và trực tiếp chứng kiến, quan sát, xem được cách làm trong các khâu kỹ thuật và làm theo nên dễ nhớ, dễ áp dụng, sẽ đem đến kết quả thành công trong tập huấn.

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo đó hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi nâng cao năng lực, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay, hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở một số địa phương vẫn còn phương thức tập huấn hướng dẫn thông qua trình chiếu trong hội trường. Nên chăng, cần thay đổi phương thức tổ chức tập huấn cho bà con nông dân bằng hình thức hướng dẫn thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại vườn, ruộng, đầu chuồng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, trừ những trường hợp bất khả kháng (tuyên truyền các văn bản pháp lý liên quan nông nghiệp, hoặc điều kiện thời tiết…) không cho phép tổ chức ngoài thực tế.

Vai trò trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật trong hoạt động tập huấn ngoài thực địa

Để buổi tập huấn ngoài đồng ruộng, vườn, đầu chuồng thành công, vai trò trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật hết sức quan trọng. Cán bộ kỹ thuật phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cơ bản về nông nghiệp, chịu khó học tập nghiên cứu, nắm bắt thực tế và kỹ năng kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Song song đó, cán bộ kỹ thuật phải khiêm tốn, gần gũi hòa đồng với nông dân, hiểu dân, chân thành, cởi mở, và chịu khó lội ruộng, vườn với dân thì mới chia sẻ trao đổi tương tác cùng nông dân tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, phương thức tập huấn ngoài đồng ruộng, ao chuồng là vất vã hơn cho cán bộ khuyến nông, vì phải xuống thực địa sản xuất để chuyển giao những nội dung cần thiết cho nông dân. Song lại có hiệu quả cao vì đáp ứng được nguyện vọng của nông dân. Theo đó kịp thời tháo gỡ được khó khăn mà người sản xuất đang đối mặt, giúp họ yên tâm sản xuất. Nhờ tập huấn tại thực tế hiện trường, cũng là điều kiện để mỗi cán bộ khuyến nông được tích lũy cho mình những kinh nghiệm vốn quý trong thực tế sản xuất của nông dân, để biết những cái mới phát sinh trong thực tế mà nghiên cứu tìm hiểu, đưa ra các giải pháp mới hơn, theo đó tiếp tục chuyển tải những kiến thức khoa học mới, áp dụng hiệu quả cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp địa phương.

Cẩm Lai

Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột

 

TIN NỔI BẬT