HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH ĐẮK LĂK
Cập nhật lúc: 21/12/2018
Cập nhật lúc: 21/12/2018
Từ khi thành lập, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk bám sát các chương trình mục tiêu của tỉnh: Chương trình xóa đói giảm nghèo ưu tiên vào vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới,…
Ngay từ thời dựng nước, Việt Nam đã là quốc gia đa dân tộc, với truyền thuyết con rồng – cháu tiên, ông cha ta đã xác định các dân tộc của đất nước Việt Nam đều là anh em một nhà, hai tiếng đồng bào cũng từ đó mà ra.
Trong cách mạng Việt Nam, kết hợp với những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sách dân tộc ở Việt Nam, đó là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc.
Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng ta vừa đảm bảo tính nhất quán, vừa đổi mới trước yêu cầu phát triển và hội nhập nhằm giải quyết thành công vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay và trong tương lai. Như vậy, chính sách dân tộc của Đảng ta vừa là truyền thống, vừa là nguyên tắc luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ.
Đắk Lắk là tỉnh đa dân tộc với 47 dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Lý do tỷ lệ hộ nghèo cao của đồng bào do hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp thuần nông, thiếu nguồn lực trong đầu tư sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao dẫn đến thu nhập thấp và thiếu bền vững. Thu nhập của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn bị ảnh hưởng của tập quán canh tác, năng lực sản xuất và ứng phó với rủi ro, sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức. Do đó, ở Đắk Lắk, vấn đề thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất của Đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu chính của toàn Đảng và cũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của công tác Khuyến nông
Ngay từ ngày đầu thành lập Khuyến nông Đắk Lắk bám sát các chương trình mục tiêu của tỉnh: Chương trình xóa đói giảm nghèo ưu tiên vào vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới,… tham gia triển khai hiệu quả các chương trình dự án Khuyến nông của trung ương, địa phương và các dự án hợp tác quốc tế của chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh. …
Với phương pháp triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình khuyến nông được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh đem lại những kết quả tích cực, đã tạo ra các chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện rõ thông qua một số hoạt động của công tác Khuyến nông trong năm 2018:
Về công tác xây dựng mô hình trình diễn: Trung tâm Khuyến nông đã triển khai triển khai thực hiện được 14 mô hình trình diễn với 439 hộ tham gia, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 256 hộ, chiếm 58,3%.
Về tập huấn – hội thảo, nâng cao năng lực cán bộ các cấp:
Nhu cầu học tập, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của nông dân ngày càng cao, thông qua hoạt động tập huấn thường xuyên của công tác khuyến nông, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất của nông dân ngày càng được nâng cao. Trong những năm qua công tác tập huấn nông dân cũng được chú trọng triển khai ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia.
Năm 2018, từ nguồn kinh phí của tỉnh tổ chức thực hiện 50 lớp cho 2.000 lượt người tại các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số là 1.200 lượt người, chiếm tỷ lệ 60%.
Phối hợp tổ chức thực hiện 08 cuộc hội thảo thuộc chương trình khuyến nông quốc gia và các chương trình, dự án khác cho 255 lượt người tham gia, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số là 113 lượt người, chiếm tỷ lệ 44,3%.
Tập huấn cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn năm 2018
Sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện rõ trong công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của Trung tâm Khuyến nông: Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tham gia hoạt động dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo đề án 1956 của thủ tướng chính phủ. Xác định nhiệm vụ dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là biện pháp tác động quan trọng giúp cho nông dân có được những kiến thức và kỹ năng nuôi trồng cơ bản, giúp cho họ có việc làm, ổn định cuộc sống gia đình và hướng dẫn cho những người thân xung quanh làm theo, góp phần chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tốt hơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động vượt khó, đến nay Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức thực hiện được 19 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 527 học viên tham gia, trong đó có 450 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 85% (gồm các nghề: Chăn nuôi heo (heo rừng), chăn nuôi trâu, bò; trồng và chăm sóc cây cà phê, trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, Khuyến nông lâm).
Tuy nhiên công tác khuyến nông ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn do tập quán canh tác lâu đời, trình độ dân trí không đồng đều, khuyến nông cơ sở còn hạn chế về mặt năng lực,... mặt khác do những khó khăn về kinh phí nên các chương trình, dự án khuyến nông đến những vùng này chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn, nông dân nghèo ít có cơ hội tiếp nhận và hưởng lợi từ các chương trình khuyến nông; việc tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả chưa cao.
Từ những khó khăn trong hoạt động Khuyến nông ở vùng dân tộc thiểu số, công tác Khuyến nông tại những vùng này cần chú trọng đến hình thức “Khuyến nông sinh kế” hướng đến đảm bảo an ninh lương thực và phát triển sản xuất hàng hóa phù hợp ở các cộng đồng nghèo (nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số), dựa trên gắn kết khuyến nông với các chính sách hỗ trợ sinh kế, tư vấn, thúc đẩy và cùng làm việc theo nhu cầu của người dân ở từng cộng đồng cụ thể.
Cần thường xuyên đào tạo nâng cao năng lực và phát huy hơn nữa vai trò của mạng lưới khuyến nông cơ sở: Do sự đa dạng về sinh kế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến nông cơ sở là người địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai “khuyến nông sinh kế” do thông thạo ngôn ngữ, tập quán sản xuất và văn hóa tộc người trên địa bàn mình phụ trách.
Có thể nói, Khuyến nông Đắk Lắk ngay từ ngày đầu thành lập đã luôn bám sát chủ trương đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, gắn bó và đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là đối với nông dân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, dù kết quả hoạt động chưa đáp ứng được tất cả các nhu cầu, mong muốn của nông dân nhưng đã tác động tích cực vào thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng xuất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Văn Nam - Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk