Hiệu quả từ chương trình cải tạo đàn bò ở huyện Ea Kar
Cập nhật lúc: 11/12/2014
Cập nhật lúc: 11/12/2014
Chương trình cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp Thụ tinh nhân tạo với mục tiêu áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi nâng cao chất lượng đàn bò từ đó đẩy mạnh chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao góp phần chuyển dich cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo định hướng sản xuất hàng hóa.
Tổ chức chăn nuôi gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đổi mới quy trình công nghệ nhằm chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh, tận dụng, phân tán sang chăn nuôi thành làng nghề thâm canh tạo hàng hoá, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho người dân và bảo vệ môi trường.Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, sự phối kết hợp giữa Trung Tâm khuyến nông tỉnh và đội ngũ Dẫn tinh viên thực hiện chương trình cải tạo đàn bò của tỉnh. Bằng nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông thường xuyên, hàng năm Trung tâm Khuyến nông đã cấp phát được khoảng 8.000 lít Nơ tơ lỏng, 10.000 liều Tinh cọng rạ, 10.000 cái Ống gen, 10.500 cái Găng tay ni lông cho Dẫn tinh viên phối giống cho bò cái trên địa bàn toàn tỉnh. Số bò cái được thụ tinh nhân tạo trên 6.000 con, tỷ lệ bò cái có thai đạt 84%, Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao (trên 95%), được bà con nông dân chấp nhận, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ 15%.
Huyện Ea Kar là đơn vị triển khai chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo tốt nhất của tỉnh, mỗi năm cho ra đời gần 1.000 bê lai hướng thịt. Đây là nền tảng để phát triển nghề vỗ béo bò. Đồng thời, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở lớp tập huấn cho người chăn nuôi biết cách nhận biết một số giống bò lai, phát hiện bò động dục, chăm sóc bò có chửa, bê sơ sinh đến trưởng thành, hướng dẫn cách tính toán hiệu quả kinh tế khi chăn nuôi bò lai và hướng phát triển đàn bò. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh để đảm bảo con giống phát triển theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn. Do vậy bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh đạt từ 20-25 kg/con (cao hơn bê địa phương), dễ nuôi, nhanh lớn hơn bê địa phương.
Gia đình anh Trần Huy Bân, xã Xuân Phú, Ea kar
Trên địa bàn huyện Ea Kar đã có nhiều hộ chăn nuôi vỗ béo thâm canh, điển hình như hộ gia đình ông Trần Huy Bân thôn 7 xã Xuân Phú. Hiện nay tổng đàn bò của anh 18 con, trong đó 6 con bò cái đang trong thời kỳ sinh sản, bò vỗ béo 12 con trong giai đoạn xuất bán (trọng lượng mỗi con từ 300 - 500kg/con), tính theo giá bán hiện nay anh thu nhập trên 400 trăm triệu đồng. Để xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường gia đình anh đã xây hầm biogas. Từ ngày làm hầm biogas, khu chuồng trại không còn bốc mùi hôi, bà con trong xóm không còn phàn nàn như trước nữa, lại có khí gas sinh học sạch sử dụng đun nấu cho gia đình thoải mái, đỡ được chi phí mua chất đốt. Nước thải của hầm Biogas gia đình anh sử dụng tưới cho cỏ trồng trong vườn đã giảm được chi phí mua phân bón vô cơ. Hàng tháng bán phân anh còn thu được từ 3-4 triệu đồng.
Để phát triển chăn nuôi hàng hoá và đang chú trọng cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò là hướng đi khả quan cho bà con nông dân, góp phần giúp người dân nắm vững phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăn nuôi mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Qua kết quả thực hiện chương trình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ tại huyện Ea Kar đã khẳng định chăn nuôi là nghề đem lại lợi nhuận cho người dân, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn nếu biết tổ chức sản xuất tốt. Nguyễn Thôi