Hiệu quả mô hình xoài ứng dụng công nghệ cao được chuyển đổi từ đất trồng mía tại thành phố Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 18/03/2019
Cập nhật lúc: 18/03/2019
Ai cũng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, tán thưởng khi đứng trước một vườn xoài xanh tươi, quả trĩu nặng quanh cây, được bao bọc bỡi những chiếc túi chuyên dụng màu vàng thật đẹp mắt. Quanh khu vườn xoài là khu nhà lưới đang sản xuất các giống rau sạch và vườn cam, quýt, bưởi đang giai đoạn kinh doanh tại thôn 11, xã Hòa Phú, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chừng 20 km về phía nam. Nhìn xa như một bức tranh đầy nhựa sống đang vươn lên trên một góc của vùng quê đang phát triển.
Chỉ riêng vườn xoài 1 ha, giống Đài Loan 5 năm tuổi này, đã mang lại cho gia đình anh Phạm Văn Trọng mỗi năm hơn 300 trăm triệu đồng (đã trừ chi phí đầu tư) từ hơn 20 tấn xoài quả tươi của cả hai vụ và hiện nay đang là mùa xoài trái vụ. Cộng với thu nhập từ sản phẩm cam, quýt, và bưởi (thu bói) trên 2 ha còn lại, gia đình anh thu nhập gần 800 triệu đồng/năm. Càng ngạc nhiên hơn khi các loại cây ăn quả này được mọc lên trên chân đất kém dinh dưỡng mà trước kia gia đình anh Trọng trồng mía không hiệu quả.
Vườn xoài của anh Phạm Văn Trọng
Khi hỏi về ý tưởng nào mà anh quyết định phá bỏ mía để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, anh Trọng thật thà nhớ lại: “Trong cái khó, ló cái khôn”, bởi ngày trước, trồng mía quá bấp bênh, tinh thần luôn nơm nớp lo lắng như sắp đến mùa thu hoạch mía lại bị ảnh hưởng do bão, mía ngã rạp, giảm năng suất chất lượng; mía sâu bệnh; mía chín ngoài đồng nhưng công ty hẹn lần lữa chậm thu mua (khi gía đường cát thấp) lại sợ mía cháy ngoài đồng trong mùa khô… với vô vàn khó khăn nhưng thu nhập cao nhất cũng vài ba chục triệu/ha, thậm chí có lúc thu nhập chỉ được 15 triệu/ha, từ đó anh quyết định phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Nghĩ là làm, anh Trọng đã tìm tòi học hỏi và tham gia các lớp tập huấn, truyên truyền từ các đơn vị chuyên môn theo chủ trương của chính quyền địa phương. Bước đầu anh quay sang trồng cà phê xen xoài, cam, quít, với mục tiêu đeo đuổi cây chủ lực của địa phương, nhưng thu hoạch thì hiệu quả kinh tế chỉ thuộc vào loại cây trồng xen nên dần dần chuyển đến trồng thuần cây ăn quả các loại. Đặc biệt giống cây xoài Đài Loan, hiệu quả kinh tế cao nhất và đầu ra không phải lo lắng vì đã có ký kết bao tiêu từ doanh nghiệp ở Đồng Nai với giá tăng thêm 30% so với thị trường tại thời điểm, khi sản xuất đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đưa ra.
Người nông dân đi đầu về áp dụng công nghệ cao vào sản xuất xoài Đài Loan
Anh Trọng cho biết, 300 cây xoài (trên một héc ta trồng năm 2013) của anh đã ứng dụng hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt trên từng gốc, chủ yếu bón vi sinh hữu cơ, chỉ bổ sung NPK để đáp ứng nhu cầu sinh lý qua từng giai đoạn cần thiết của cây xoài. Điều quan tâm nhất là anh Trọng đã ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý điều tiết cho xoài ra hoa trái vụ bằng chất điều hòa sinh trưởng để tăng vụ thu hoạch (trước đây chỉ thu hoạch một vụ trong năm) và đã tiến hành bao quả bằng túi chuyên dụng của Đài Loan để bảo vệ quả không bị sâu bệnh, tăng kích thước và tạo mẫu mã của quả xoài đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Đài Loan. Tại đây, giống xoài này vụ chính ra hoa tự nhiên từ tháng chạp đến tháng giêng và thu hoạch từ tháng tư đến đầu tháng năm, vụ này năng suất chiếm đến 65% so với sản lượng cả năm. Mùa trái vụ ra hoa vào tháng tám đến tháng chín âm lịch, cho thu hoạch từ cuối tháng chạp đến tháng hai âm lịch nhờ sự tác động bỡi chất điều tiết sinh trưởng. Để tháng tám cây cho hoa thì từ tháng sáu, anh Trọng phải xử lý xoài bằng hoạt chất kích thích ra hoa (điều tiết sinh trưởng), phun 2 lần cách nhau 7 ngày. Khi quả đạt đường kính từ 3 - 4 cm thì tiến hành bao quả bằng bao giấy chuyên dụng của Đài Loan với mục đích không cho côn trùng chích hút gây sẹo quả, vừa hạn chế nấm bệnh trên quả, đặc biệt với mặt bên trong của túi có màu đen có tác dụng làm quả mướt mát, bóng láng trắng vàng (không xanh đậm như những quả được bao bằng bọc bằng túi không chuyên dụng mà nông dân hay dùng). Sau khi bao quả từ 1,5 - 2 tháng là thu hoạch với trọng lượng quả bình quân 0,8 kg/quả. Hiện tại sản phẩm xoài tươi được doanh nghiệp tại Đồng Nai bao tiêu tại vườn với giá 30 nghìn/kg (thị trường mua 20 nghìn/kg). Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất xoài của gia đình anh Trọng (tưới nhỏ giọt, dùng phân vi sinh hữu cơ, bao quả…) đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo hệ sinh thái cân bằng, bảo vệ môi trường và điều quan trọng nhất là sản phẩm sạch, đẹp mẫu mã nên các doanh nghiệp đã đến tận vườn để ký kết thu mua, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, anh Trọng cứ lầm lũi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị thu nhập cho gia đình mà không biết rằng chính mình là một trong những nông dân đi đầu, góp phần trong công cuộc “hiện đại hóa” nông nghiệp của địa phương trong thời kỳ tái cơ cấu.
Mối lo vẫn canh cánh trong phát triển bền vững cây ăn quả
Với quyết tâm làm giàu từ sản xuất nông nghiệp để làm gương cho người dân tại địa phương cùng phát triển, anh Trọng muốn đầu tư nhiều hơn để khai thác tiềm năng năng suất, chất lượng của các loại cây ăn quả trong vườn bền vững (như lắp đặt thêm hệ thống tưới béc phun mưa để rửa lá khi xuất hiện sương muối, tăng quá trình quang hợp cho cây, hạn chế sâu bệnh hại trên lá; xây dựng tường rào bao bọc bảo vệ sản phẩm, camera an ninh…), tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư nông nghiệp đang vẫn còn nhiều nhiêu khê. Được biết, hướng tới, để được thị trường công nhận sản phẩm của mình chất lượng cao như vốn có của nó, anh Trọng đang có kế hoạch đăng ký chứng nhận VietGAP cho các loại sản phẩm cây ăn quả, trước hết là sản phẩm xoài Đài Loan, để tạo “đầu ra” cho sản phẩm ổn định bền vững hơn. Thiết nghĩ, đây là một nhu cầu thiết thực không chỉ của riêng anh Phạm Văn Trọng mà là của mọi nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng an toàn, phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Đăk Lăk (tại Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND, ngày 28/2/2017) về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong phát triển bền vững. Mong rằng địa phương (phường, xã) nên quan tâm hơn trong việc rà soát tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại địa bàn, tổng hợp nhu cầu, đăng ký kế hoạch đề xuất cấp chứng nhận VietGAP lên cơ quan liên quan hàng năm theo qui định, để hỗ trợ một phần khó khăn cho nông dân trong thời kỳ đầu của quá trình tạo những sản phẩm an toàn (có chứng nhận ), tạo cho thị trường sản phẩm nông nghiệp ngày càng bền vững. Anh Trọng hy vọng trong thời gian tới tên của anh sẽ được thêm vào danh sách “Những tỷ phú nhà vườn” của Đăk Lăk.
Cẩm Lai