Hiệu quả mô hình nuôi heo thương phẩm trên đệm lót sinh học tại huyện Krông Pắc
Cập nhật lúc: 02/10/2015
Cập nhật lúc: 02/10/2015
Mô hình triển khai ngày 25/6/2015, tại hộ bà Trần Thị Kim Yến, tổ dân phố 9, Thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Qui mô thực hiện 12con/18m2 chuồng nuôi trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp của huyện
Nuôi heo là một phần của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chăn nuôi vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường trong xu thế biến đổi khí hậu hiện nay là một vấn đề được các cấp các ngành quan tâm. Xuất phát từ nhu cầu đó Trạm Khuyến nông Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk kết hợp với Hội nông dân Thị trấn Phước An thực hiện mô hình Nuôi heo thương phẩm trên đệm lót sinh học.
Mô hình triển khai ngày 25/6/2015, tại hộ bà Trần Thị Kim Yến, tổ dân phố 9, Thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Qui mô thực hiện 12con/18m2 chuồng nuôi trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp của huyện. Cán bộ phụ trách của Trạm đã hướng dẫn kỹ thuật cho chủ hộ mô hình và một số bà con nông dân chăn nuôi heo tại địa phương. Dự kiến mô hình kết thúc ngày 25/10/2015. Nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình, ngày 30/9/2015. Trạm Khuyến nông kết hợp với Hội nông dân Thị trấn Phước An tổ chức hội thảo Mô hình chăn nuôi heo thương phẩm trên đệm lót sinh học. Tham dự hội thảo có đại diện phòng NN&PTNT huyện, Đài truyền thanh truyền hình và khoảng bốn mươi nông dân chăn nuôi heo tại Thị trấn Phước An.
Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan mô hình và thảo luận các vấn đề như con giống, thức ăn, cách chăm sóc nuôi dưỡng heo trên đệm lót. Đặc biệt là cách làm chuồng nuôi có đệm lót sinh học. So sánh với cách nuôi truyền thống trước đây thì việc nuôi heo trên đệm lót sinh học đã làm cho các đại biểu có cách nhìn mới về chăn nuôi. Đó là ngoài hiệu quả kinh tế ra (lợi nhuận sau khi trừ chi phí người nuôi có được trên 500.000đ/con) do heo sinh trưởng tốt, nhanh lớn (trọng lượng bình quân trên 80kg/con), heo ít dịch bệnh…, thì cách nuôi heo trên đệm lót sinh học không gây ô nhiễm môi trường (không hôi thối, không mùi) nên có thể thực hiện trong khu dân cư đông đúc, tiết kiệm tài nguyên nước (do không tắm cho heo trong quá trình nuôi), tiết kiệm điện. Bên cạnh đó chất lượng sản phẩm thịt heo được nâng lên (heo vận động như trong môi trường tự nhiên). Đây là mô hình thân thiện mang lại hiệu quả về mặt kinh tế lẫn môi trường mà xã hội đang quan tâm hướng đến một nền chăn nuôi bền vững./.
Văn Hợp - Trạm Khuyến nông Krông Pắk