Giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu ở Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 09/11/2016
Cập nhật lúc: 09/11/2016
Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, khan hiếm nước tưới trong mùa khô đối với các loại cây trồng, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Dự án xây dựng “Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu” trên địa bàn các huyện Krông Púk; Buôn Đôn; Krông Bông với quy mô 06 ha, 12 hộ tham gia.
Thay đổi nhận thức của người nông dân
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tế đang được nông dân của tỉnh Đăk Lăk chú trọng phát triển. Vì vậy việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất hồ tiêu luôn được bà con nông dân mong đợi và quan tâm.
Thực hiện theo hợp đồng số 040.16.16/HĐKN của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án xây dựng “Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu” tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tiêu chí để lựa chọn các hộ nông dân tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chuẩn diện tích vườn tiêu tối thiểu 5.000 m2, có sẵn nguồn nước, tập trung gần nhau có khả năng liên kết để dễ đấu nối các thiết bị đầu cuối, vườn tiêu sinh trưởng tốt, sạch bệnh, đang trong thời kỳ sản xuất kinh doanh ổn định, nông dân có kinh nghiệm, có điều kiện đối ứng vật tư, nhân lực. Tất cả các hộ được lựa chọn đều thuộc các xã khu vực miền núi khó khăn theo quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ trướng chính phủ đặc biệt là chưa tham gia dự án nào và chưa nhận hỗ trợ gì từ nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên gia đình chính sách, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số….
Trong quá trình triển khai mô hình bên cạnh những thuận lợi như được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện dự án, hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở nhiệt tình trong công tác vận động, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát tốt đã giúp nông dân nắm bắt và quan tâm áp dụng mô hình một cách hiệu quả và có trách nhiệm thì còn những khó khăn: nhiều hộ nông dân vẫn còn tư tưởng e ngại với hiệu quả của dự án.
Kết cấu của hệ thống tưới gồm: Máy bơm nước đẩy nước từ nguồn nước tới bộ điều khiển trung tâm. Từ bộ điều khiển trung tâm nước được đưa vào một đường ống nước chính chạy dọc theo vườn. Ống nước tưới được đấu nối với đường ống nước chính đưa nước tưới cho từng gốc tiêu bằng biện pháp nhỏ giọt. Tại bộ điều khiển trung tâm còn có một bộ phận châm phân để có thể qua đó bón phân cho tiêu theo dạng hòa tan trong nước.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đi kiểm tra, đánh giá
mô hình tưới tiết kiệm thực hiện tại huyện Krông Bông – Đắk Lắk
Theo tiến độ của Dự án, sau khi hoàn thiện lắp thiết bị tưới tại mô hình trình diễn, Trung tâm khuyến nông Đắk Lắk cùng với Trạm khuyến nông các huyện phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh tiến hành tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân tham gia mô hình: hướng dẫn nông dân lắp đặt vận hành, , cách sử dụng hệ thống tưới bao gồm cách tưới phân, tưới nước thông qua hệ thống cũng như bảo quản hệ thống.
Sau 03 tháng đưa vào vận hành hệ thống, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk cùng với trạm khuyến nông các huyện tổ chức hội thảo để bà con nông dân trong vùng đến tham quan học tập và trao đổi những thuận lợi và khó khăn gặp phải cũng như những đề xuất kiến nghị để đưa mô hình đi vào thực tiễn sản xuất.
Qua một thời gian thử nghiệm hệ thống, Ông Đào Danh Quý – thôn Ea Duất- xã Ea Wer- Huyện Buôn Đôn - hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết: “Ban đầu khi quyết định tham gia thực hiện mô hình, tôi cũng rất phân vân vì cho rằng tưới tràn với số lượng nước lớn theo phương pháp truyền thống cây trồng còn thiếu nước vào mùa khô bây giờ thực hiện tưới tiết kiệm thì không biết thế nào. Nhưng sau khi sử dụng thì tôi thấy hệ thống dễ vận hành; kiểm soát áp đầu cuối bằng nhau; tưới phân nước đều và đặc biệt là đất lúc nào cũng đủ ẩm, cây tiêu xanh tốt, tiết kiệm đáng kể công lao động,”
Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh hồ tiêu bằng phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt công nghệ Israel) bước đầu đã làm thay đổi nhận thức về tập quán canh tác của người trồng tiêu bằng cách ứng dụng công nghệ trong tưới tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Với phương pháp tưới cổ truyền là vấn đề lãng phí nước, gây đóng váng, xói mòn đất, do tưới một lúc quá nhiều nước, hoặc là nước ngấm không kịp tạo thành dòng chảy mặt, hoặc là đất ngấm quá lớn, đưa nước và chất hữu cơ xuống sâu khỏi tầng rễ cây, lãng phí thì ở đây công nghệ tưới tiết kiệm nước là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Nhờ kết cấu đơn giản và vận hành tiện lợi nên tưới tiết kiệm nước có thể tăng được số lần tưới lên tùy ý và giảm khối lượng nước tưới mỗi lần.
Hội thảo tham quan mô hình tưới tiết kiệm trên cây tiêu tổ chức tại huyện Buôn Đôn
Theo các kết quả nghiên cứu về công nghệ tưới tiết kiệm thì ưu việt nổi bật là ít tốn nước, quản lý vận hành đơn giản, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công tưới, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, giúp đất tơi xốp và giảm đáng kể chi phí sản xuất; tiết kiệm nước và phân bón đến 40%. Tuy nhiên đối với các mô hình Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện năm 2016, cho đến thời điểm này chưa thể đánh giá cụ thể hiệu quả năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu
Nhưng kết quả bước đầu có thể nhận thấy rõ nhất đó là mô hình đã giới thiệu cho bà con nông dân trồng tiêu một công nghệ mới cần áp dụng và nhân rộng trong canh tác nông nghiệp, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu thực tế cho bà con. Khác với phương pháp tưới truyền thống (tưới dí và tưới phun ) mưa rất tốn công, với phương pháp này sẽ duy trì đều đặn một độ ẩm cần thiết cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển. đặc biệt là giảm được công lao động; bảo vệ đất; tiết kiệm nguồn nước, chủ động được nước tưới trong mùa khô, độ ngấm sâu hơn.
Cần lắm sự hỗ trợ từ phía cơ quan, nhà nước, chính quyền địa phương
Do vốn đầu tư ban đầu cho một mô hình tưới tiết kiệm là khá lớn, trung bình 60 triệu/1 ha nên nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại khi muốn tiếp cận với công nghệ tưới tiên tiến này.
Để giúp cho bà con nông dân trong việc canh tác, sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, bền vững và để mô hình tưới tiết kiệm cho cây tiêu nói riêng và cây trồng cạn nói chung thực tế đi vào cuộc sống và đa số người nông dân có thể tiếp cận thì cần có chính sách ưu tiên cho nông dân vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để bà con có điều kiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vào sản xuất. Trong thực tế thì theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thì ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ lãi suất để mua hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tuy nhiên trong thực tế thì đa số người dân vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn này.
Bên cạnh đó để thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm thì cần có kế hoạch hành động, sự tập trung chỉ đạo cụ thể của chính quyền địa phương, để thúc đẩy việc áp dụng, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện. Có như thế thì bài toán về triển khai áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn Tây Nguyên mới có lời giải, giúp nâng cao trình độ của người nông dân trong sản xuất hồ tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao, năng suất sản phẩm hồ tiêu, thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu tại địa phương. Hoàng Liên
Bộ Nông nghiệp đã ban hành quyết định số 1788/QĐ-BNN-TCTL ban hành kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy lợi |