Giải pháp phát triển chăn nuôi heo tại nông hộ
Cập nhật lúc: 10/10/2016
Cập nhật lúc: 10/10/2016
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học có xử lý chất thải bằng một trong hai phương pháp: hầm biogas hay đệm lót sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu được Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk quan tâm tuyên truyền phổ biến và triển khai nhân rộng qua các mô hình trình diễn trong những năm qua.
Giải pháp phát triển chăn nuôi heo tại nông hộ
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính từ năm 2012 đến tháng 4/2016, chăn nuôi heo trên cả nước liên tục tăng trưởng, tổng đàn tăng khoảng 1,5%, sản lượng bình quân tăng 3,18%; số lượng đàn heo trên 28,3 triệu con. Mặc dù có tổng đàn tăng nhưng ngành chăn nuôi heo nước ta đang trong tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nông hộ vẫn khá phổ biến. Theo thống kê đến năm 2011, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có quy mô dưới 9 con chiếm gần 90%, trong đó quy mô dưới 5 con chiếm khoảng gần 80%. Chính vì vậy mà vấn đề về ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn, nhất là một số bệnh trên heo có thể ảnh hưởng đén sức khỏe của con người, gây thiệt hại về kinh tế.
Vấn đề đặt ra cho ngành chăn nuôi heo nước ta nói chung, tỉnh Đăk Lăk nói riêng là phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn cho con người và vật nuôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học có xử lý chất thải bằng một trong hai phương pháp: hầm biogas hay đệm lót sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu được Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk quan tâm tuyên truyền phổ biến và triển khai nhân rộng qua các mô hình trình diễn trong những năm qua.
Mô hình “Nuôi heo thịt an toàn sinh học”
Thực hiện kế hoạch Khuyến nông chăn nuôi năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk đã triển khai mô hình” Nuôi heo thịt an toàn sinh học” tại 2 huyệnKrông Bông và Ea Sup, quy mô 30 con với 6 hộ nông dân tham gia.
Mô hình kết hợp áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn và chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý với hướng dẫn nông dân thay đổi những thói quen hàng ngày theo hướng an toàn sinh học như: xử lý tốt chất thải chăn nuôi; cách ly khu vực chăn nuôi với khu vực sinh hoạt của gia đình; cách ly heo nuôi với các loại gia súc, gia cầm khác; vệ sinh, sát trùng chuồng trại; giầy dép đi riêng trong khu vực chăn nuôi; ghi chép theo dõi quá trình triển khai ; …nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập gây hại cho đàn heo, giảm thiểu những rủi ro trong chăn nuôi.
Sau 3 tháng thực hiện kết quả đạt được: Các hộ tham gia mô hình đã tiếp thu và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, thay đổi được những thói quen hàng ngày trong chăm sóc và nuôi dưỡng heo. Heo sinh trưởng và phát triển tốt, ít bệnh tật, đạt được các chỉ tiêu về kinh tế kỹ thuật như: Tỷ lệ nuôi sống đạt 100%,trọng lượng trung bình 95kg/con/2,5 tháng nuôi tăng trọng khoảng 1kg/con/ngày, tiêu tốn thức ăn 2.5kg/kg tăng trọng, lợi nhuận thu về 788.000đ/con. Hiệu quả về môi trường: đây là hiệu quả lớn nhât của mô hình. Đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và các vấn đề về xã hội khác.
Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Với việc xử lý chất thải bằng hầm biogas, theo bà Vũ Thị Hường thôn 11 xã Hòa Lễ huyện Krông Bông (hộ thực hiện mô hình) đánh giá: “rất phấn khởi với những lợi ích của mô hình, xử lý chất thải bằng hầm biogas thì có gas để sử dụng nhưng lại tốn công cho việc vệ sinh chuồng trại hằng ngày” . Còn đối với việc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học: theo ông Thiều Đình Thành thôn 10 xã Hòa Lễ huyện Krông Bông và một số hộ tham gia thực hiện mô hình khác thì cho rằng “xử lý chất thải bằng biện pháp đệm lót sinh học thì heo khỏe mạnh, ít gây tiếng ồn, ít tốn công vệ sinh, tắm rửa cho heo, một lớp đệm có thể sử dụng từ 3-4 năm, cần phải áp dụng các biện pháp chóng nóng cho vật nuôi ”. Tuy nhiên nguyên liệu mùn cưa để làm đệm lót rất khó tìm do hiện nay đã đóng của rừng. Để phát triển mô hình này, đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu nguyên liệu sẵn có tại địa phương (đặc biệt là vỏ cà phê) để làm nguyên liệu thay thế mùn cưa.
Nhiều nông dân thâm gia tại buổi hội thảo, trong đó có Bà Vũ Thị Thuân thôn 11 xã Hòa Lễ Huyện Krông Bông đều mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại gia đình mình.
Với những kết quả đã đạt được đây là những giải pháp phát triển chăn nuôi tại nông hộ được Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk định hướng tiếp tục phát triển “Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và xử lý chất thải trong chăn nuôi” cho những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh .
Khánh Ly - Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk