GIẢI PHÁP NÀO CHO TÁI CANH CÀ PHÊ?
Cập nhật lúc: 03/04/2017
Cập nhật lúc: 03/04/2017
Cà phê là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng, trong khi quá trình tái canh lại gặp nhiều vướng mắc, khiến hoạt động tái canh tại các địa phương gần như dẫm chân tại chỗ.
Còn nhiều vướng mắc
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 2013 đến nay toàn tỉnh mới chỉ tái canh được 13.470 ha cà phê, trong khi đó diện tích cà phê già cỗi tiếp tục gia tăng, kết quả rà soát diện tích có nhu cầu tái canh tại các huyện, thành phố, thị xã giai đoạn 2016-2020 đã lên đến con số 32.335 ha, tăng hơn 65% so với kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 54/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, từ năm 2016-2020, toàn huyện có 10.110 ha cà phê cần tái canh (chiếm gần 1/3 diện tích cà phê hiện có), tập trung tại các xã Quảng Hiệp, Ea Kiết, Cư Dliê Mnông…, nếu không tái canh kịp thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc tái canh không dễ khi buộc phải tuân thủ quy trình của Cục Trồng trọt, trong đó, thời gian luân canh ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi để thực hiện tái canh là rất khó, bởi cà phê chủ yếu nằm trong các hộ dân với diện tích nhỏ lẻ, là nguồn thu nhập chính của các gia đình, nếu tuân thủ theo quy trình thì suốt quãng thời gian cải tạo đất và kiến thiết cơ bản (khoảng 5 năm) người trồng cà phê không có nguồn thu nhập nào khác. Cùng với đó, các chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tại Đắk Lắk tuy đã cam kết chuẩn bị gói 3.000 tỷ đồng cho người dân vay để tái canh cà phê, nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tổ chức, cá nhân vay vốn phải được UBND cấp xã xác nhận diện tích nằm trong kế hoạch tái canh cà phê của tỉnh, phù hợp với Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 của Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, việc tổng hợp danh sách các hộ dân và diện tích có nhu cầu tái canh hiện tại còn khá chậm, một số địa phương chưa triển khai được do số hộ đăng ký nhiều nhưng quy mô diện tích nhỏ lẻ, bản thân các địa phương cũng thiếu nguồn nhân lực để triển khai nên việc kiểm tra xác nhận tại cấp xã rất khó khăn.
Một vườn cà phê đa canh tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. |
Theo ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thì một trở ngại làm cho người dân chưa mạnh dạn vay vốn tái canh cà phê là hạn mức vay không nhiều (150 triệu đồng/ha đối với tái canh trồng mới và 80 triệu đồng/ha đối với tái canh cải tạo), chưa kể, muốn vay vốn người dân phải đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thế chấp tài sản, điều kiện giải ngân, yêu cầu áp dụng quy trình kỹ thuật… khá nhiêu khê.
Để việc tái canh cà phê tiến triển thuận lợi hơn
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, nhất là trong khâu rà soát, tổng hợp danh sách hộ dân và diện tích cà phê có nhu cầu cũng như đủ điều kiện tái canh, nhiều ý kiến cho rằng, có thể giao cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn đảm nhận, bởi chính họ là đội ngũ bám sát dân và trực tiếp tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng như nắm chắc các diện tích sản xuất trên địa bàn. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện khá thành công theo cách này và đã rút gọn được thời gian xác định diện tích có nhu cầu tái canh phù hợp với quy hoạch của địa phương, giúp bà con nông dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay.
Vườn tái canh cà phê 5 năm tuổi của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tái canh trên toàn tỉnh, Sở đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Trồng trọt sửa đổi, bổ sung quy trình tái canh cây cà phê, đặc biệt là việc luân canh, cải tạo, xử lý đất theo hướng hộ gia đình – kiểm tra đất bảo đảm các yêu cầu là có thể tái canh ngay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất trong thời gian ân hạn đối với hộ gia đình khi vay vốn tái canh; chỉ đạo Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam tạo cơ chế thuận lợi cho nông dân vay vốn tái canh bằng cách thực hiện giải ngân chỉ 1 hoặc 2 lần cho 1 hồ sơ vay vốn. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 203.000 ha cà phê, vượt 53.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020 do đó, Sở cũng đang đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích cà phê không đủ điều kiện tái canh sang trồng các loại cây khác. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT, UBND cấp xã thống kê, xác nhận danh sách các hộ có diện tích cà phê tái canh đủ điều kiện vay vốn để thực hiện giải ngân vay vốn nhanh gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người trồng cà phê.
Thanh Hường
Nguồn: http://baodaklak.vn