Đưa giống điều ghép cao sản đến với bà con nông dân tại huyện Buôn Đôn - tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 28/10/2020
Cập nhật lúc: 28/10/2020
Trong 02 năm (2019-2020) Trung tâm Khuyến nông, giống cây trồng vật nuôi và thủy sản Đăk Lăk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn thực hiện mô hình trình diễn trồng thâm canh cây điều ghép cao sản với diện tích 19,8 ha tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn với 34 hộ nông dân tham gia.
Với diện tích điều 23.849 ha nằm rãi rác, không tập trung và đang trong giai đoạn cho thu hoạch hoặc già cỗi. Sản lượng đạt 21.433 tấn, năng suất chưa đầy 1 tấn/ha (số liệu thống kê năm 2019) do một số nguyên nhân như trồng bằng giống thiếu chọn lọc, ít đầu tư chăm sóc dẫn đến năng suất thấp, nông dân chặt bỏ chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác. Một vài năm trở lại đây, giá điều có chiều hướng tăng, bên cạnh đó một số mặt hàng nông sản giá cả bấp bênh, giảm thấp như hồ tiêu, cà phê, cao su… bà con nông dân bắt đầu quay trở lại với cây điều.
Để không lặp lại điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” thì việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống và kỹ thuật chăm sóc cây điều để người nông dân trực tiếp tham gia cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kiến thức với nhau thông qua xây dựng mô hình trình diễn là một việc làm cần thiết. Từ đó vận dụng vào thực tiễn sản xuất để chủ động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên vùng đất xấu, nghèo dinh dưỡng, khô cằn, vùng đất không chủ động được nguồn nước sang trồng cây điều tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông.
Trong 02 năm (2019-2020) Trung tâm Khuyến nông, giống cây trồng vật nuôi và thủy sản Đăk Lăk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn thực hiện mô hình trình diễn trồng thâm canh cây điều ghép cao sản với diện tích 19,8 ha tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn với 34 hộ nông dân tham gia.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đất trước khi trồng cây Điều.
Chuyển giao cây giống Điều về cho hộ dân
Qua thời gian theo dõi, bước đầu mô hình trình diễn đã giúp bà con nông dân hiểu, nắm vững kỹ thuật trồng thâm canh, chăm sóc cây điều ghép, phòng trừ sâu bệnh hại, quản lý dinh dưỡng trên cây điều theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây điều thông qua hướng dẫn tư vấn trực tiếp ngoài đồng ruộng, bên cạnh đó mở các lớp tập huấn trong và ngoài mô hình cho bà con nông dân trong vùng . Mô hình phần nào cũng đã giải quyết được những trăn trở về giống và kỹ thuật thâm canh cây điều ghép. Vườn điều ghép sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng trồng. Từ đó mô hình đã có sức lan tỏa khả năng tự nhân rộng trong vùng, nhiều hộ nông dân đã được tư vấn và giới thiệu các cơ sở sản xuất cây giống uy tín, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, nguồn gốc cây giống cũng đã tự bỏ vốn tìm mua giống điều ghép cao sản để trồng trên những diện tích đất của mình.
Vườn Điều bắt đầu bước vào năm thứ 2
Giờ đây, có thể nói đối với bà con nông dân xã Ea Huar huyện Buôn Đôn thì cây điều không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo trên vùng đất khô cằn mà còn là một trong những cây trồng chủ lực, hứa hẹn sẽ đem đến công ăn việc làm, thu nhập tốt, ổn định bền vững cho bà con nông dân./.
Xuân Kỳ - TTKN, GCTVN&TS