Định hướng đổi mới các hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 10/07/2017
Cập nhật lúc: 10/07/2017
Căn cứ Quyết định số 2325/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với phương châm “Đổi mới các mặt hoạt động của công tác khuyến nông phải bám sát và phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT của tỉnh trong 5 năm đến đề ra”, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã xây dựng “Kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông gắn với đề án tái cơ cấu ngành của tỉnh”.
Thành công lớn nhất của công tác khuyến nông trong giai đoạn 5 năm (2011-2016) là đã tiếp cận và chuyển giao được nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ cho người nông dân, trong đó có việc ứng dụng những thành tựu của Nông nghiệp công nghệ cao vào trong thực tiễn sản xuất địa phương, góp phần nâng cao dân trí, trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức sản xuất của bà con nông dân đã đem lại những kết quả tích cực, tạo ra sự chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình trọng điểm của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác khuyến nông vẫn còn những mặt hạn chế và tồn tại đó là kinh phí dành cho hoạt động khuyến nông ngày càng thu hẹp; nội dung và phương pháp khuyến nông còn chưa linh hoạt, đa dạng; hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông chưa phát triển đúng tầm để đáp ứng nhu cầu sản xuất; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông ở cơ sở còn nhiều hạn chế....Thực trạng này đòi hỏi cần phải có sự đổi mới trong các mặt hoạt động của công tác khuyến nông một cách mạnh mẽ.
Với định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, trong lĩnh vực khuyến nông trồng trọt phải tập trung vào các loại cây có lợi thế cạnh tranh và còn giá trị gia tăng lớn như cà phê, hồ tiêu, sắn, điều, cây ăn quả và các loại cây lương thực có tiềm năng như ngô, lúa…… Lĩnh vực chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, khuyến nông chăn nuôi tập trung phát triển lợi thế ưu đãi của thiên nhiên để nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, ong và một số loài đặc sản bản địa; đầu tư nguồn lực duy trì chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đưa tỷ lệ đàn bò lai đạt 40% trong tổng đàn. Tận dụng tối đa diện tích mặt nước. Trên cơ sở quy hoạch thủy sản đã được phê duyệt, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP). Các đối tượng nuôi thủy sản cần được ưu tiên phát triển là cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh, cá truyền thống và các loại thủy sản bản địa có giá trị cao khác.
Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các sản phẩm chủ yếu để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao gắn liền với thực tiễn sản xuất có khả năng đột phá và sức lan tỏa mạnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, bao gồm: Chuyển giao kỹ thuật, phương pháp, tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm với phương châm “Ứng dụng thành tựu nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Khuyến nông Đắk Lắk xác định các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là: Tập trung tuyên truyền, phổ biến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để hiện đại hóa hoạt động truyền thông trong công tác khuyến nông.
Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và thông trang thông tin điện tử của Trung tâm để quảng bá tuyên truyền, phổ biến các mô hình khuyến nông có hiệu quả, cá nhân điển hình tiên tiến, các tiến bộ kỹ thuật mới, qua đó đẩy mạnh các hoạt động về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tạo mối liên kết “4 nhà” “ 5 nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hai là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông các cấp, ưu tiên cho đào tạo cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân tham gia sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch và chương trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, từng vùng sinh thái nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng để nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn so với trước đây.
Xác định nhiệm vụ đào tạo - huấn luyện - dạy nghề cho nông dân trong những năm đến là tập huấn theo nhu cầu của họ; qua đó giúp cho nông dân ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng), bảo vệ được môi trường sinh thái.
Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ kỹ thuật viên ngành nông nghiệp cấp xã (người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, cán bộ HTX,...) và đào tạo các nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hóa trong các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia vào mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Ba là: Xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông và triển khai diện rộng, ưu tiên tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến nông gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (đặc biệt giải quyết việc tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng và các đối tượng khác).
- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc xây dựng các mô hình khuyến nông trồng trọt, tiến đến hình thành các vùng sản xuất( cà phê, hồ tiêu, sắn và cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các mô hình trồng trọt tập trung vào việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm những sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao như cà phê, tiêu, ca cao, ngô, lúa, rau, đậu các loại, cây ăn trái (bơ, mít..).
Đẩy mạnh công tác khuyến nông chăn nuôi, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy hiệu quả các mô hình khuyến nông về chăn nuôi bò, lợn, gia cầm …Tập trung và nhân rộng ở các địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm tạo ( khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao) phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đảm bảo việc phát triển chăn nuôi phải tuân thủ theo quy hoạch tỗng thể của tỉnh, của Trung ương để các sản phẩm làm ra tại địa phương phải có nơi tiêu thụ ổn định.
Chú trọng đầu tư công tác giống để phát triển đàn lợn hướng nạc, đàn bò lai lấy thịt. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học: Chăn nuôi gia cầm trang trại, chăn nuôi bò lai, chăn nuôi lợn hàng hóa, chăn nuôi ong mật và một số động vật bản địa có khả năng phát huy lợi thế tại nhiều địa phương như nai, hươu, lợn rừng, thỏ, nhím...giúp cho người nông dân có một hướng đi mới trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bằng các mô hình trình diễn trên các đối tượng cây trồng và vật nuôi. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn. Các đối tượng nuôi thủy sản cần được ưu tiên phát triển là cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh, cá truyền thống và các loại thủy sản có giá trị cao khác.
Bốn là: Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp với các Viện, trường, các tổ chức đoàn thể xã hội đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác khuyến nông; huy động nguồn nhân lực của đơn vị tham gia các dự án khuyến nông Trung ương triển khai tại địa phương, các chương trình liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác với doanh nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để huy động các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Định hướng các hoạt động khuyến nông đô thị, tiếp cận có chọn lọc xây dựng các mô hình khuyến nông đô thị phù hợp tại các ( Thành phố; thị xã; thị trấn thuộc tỉnh) đặc biệt là lợi thế phát triển sinh vật cảnh tại các địa phương phấn đấu để Đắk Lắk sớm tham gia vào câu lạc bộ Khuyến nông đô thị toàn quốc. Tạo một hướng đi phù hợp cho một bộ phận cư dân trong nội đô trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các sản phẩm chủ yếu để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao gắn liền với thực tiễn sản xuất có khả năng đột phá và sức lan tỏa mạnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, bao gồm: Chuyển giao kỹ thuật, phương pháp, tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm với phương châm “Ứng dụng thành tựu nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Khuyến nông Đắk Lắk xác định các nhóm giải pháp như: Thông tin tuyên truyền; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp; Đào tạo nông dân và lao động nông thôn chuyên nghiệp;Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp; Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của ngành trong quá trình tham gia công tác khuyến nông tại các địa phương để tham gia thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước vào trong lĩnh vực nông nghiệp như: ( Dự án “ Vnsat” chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt nam thực hiện tại tỉnh Đắk lắk; chương trình hổ trợ chăn nuôi trong nông hộ Theo quyết định 50/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ Tướng chính phủ mà UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 24/2016/QĐ- UBND ngày 31/5/2016 của UBND tỉnh Đắk lắk ban hành quy định một số nội dung hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41/2011/NQ-HĐND, ngày 22/12/2011 của HĐND tỉnh về xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Đắk Lắk.
Giám đốc: Ngô Nhân