Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn (mì)”
Cập nhật lúc: 27/11/2018
Cập nhật lúc: 27/11/2018
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn (mì), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Chi Cục Trồng trợt và Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Buôn Đôn tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phòng chống bệnh khảm trên cây sắn (mì)” ngày 21-22/10/2018, tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk...
Ở Việt Nam, sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Sắn đồng thời cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng, tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt. Tuy nhiên, việc phát triển thiếu bền vững như hiện nay, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề nan giải, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh trên cây sắn. Trong đó, bệnh vi rút khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất sắn. Nếu nhiễm bệnh vào giai đoạn đầu có thể làm giảm năng suất đến 90%, thậm chí không cho thu hoạch. Bệnh lây lan qua hom giống đã nhiệm bệnh và bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh.
Các đại biểu và bà con nông dân tham quan mô hình sắn bị nhiễm bệnh tại xã Ea Huar - huyện Buôn Đôn
Tại Đắk Lắk, theo báo cáo rà soát tính ngày 25 tháng 10 năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện bệnh khảm lá sắn tại các huyện (Krông Bông; Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Hleo) với tổng diện tích nhiễm 1.323 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng >70% là 282,54 ha (Ea Súp 31ha; K rông Bông: 236,44 ha, Buôn Đôn: 13,1 ha, Ea Hleo: 2 ha); Diện tích nhiễm từ 30-70% là 1.040,46 ha tập trung tại các xã trên địa bàn huyện Ea Súp.
Để tìm ra giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hại này, ngày 22/10/2018, tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng chống bệnh khảm trên cây mì (sắn)”. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu và hơn 100 bà con nông dân đến từ các tỉnh tỉnh: Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông; Ninh Thuận.
Phát biểu tại Diễn đàn, Q. Giám đốc TTKNQG Trần Văn Khởi cho biết: "Bệnh khảm lá sắn rất nguy hại, lây lan nhanh, tác hại lớn. Một số khó khăn trong phòng chống bệnh khảm lá sắn như: Mùa vụ liên tục, gối nhau nên dễ lây lan bệnh; Nguồn giống sạch bệnh rất ít; Khó phân biệt được cây bị bệnh và cây khỏe nên rất khó kiểm soát, ngăn chặn. Ngoài ra, một số người dân còn chủ quan, ngại chuyển đổi sang các cây trồng".
Tại Diễn đàn, đại biểu đã được nghe các báo cáo: Tình hình bệnh khảm lá sắn và công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; Thực trạng sản xuất sắn và định hướng phát triển bền vững cây sắn trong thời gian tới tại các tỉnh phía nam – Cục Trồng trọt, Tình hình nghiên cứu và phát triển sắn tại các tỉnh phía nam - Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc; Công tác phòng chống bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk.
Bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật tại Diễn đàn đã trao đổi với các chuyên gia các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sắn; chính sách hỗ trợ cho hộ dân tiêu hủy diện tích cây sắn bị bệnh; nhận biết giống nhiễm bệnh, địa chỉ tìm mua nguồn giống sạch bệnh....
Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn
Sau khi nghe báo cáo, trao đổi của đại biểu tham dự Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, đã có nêu một số giải pháp để phòng chống bệnh khảm trên cây sắn như sau:
- Các địa phương cần rà soát thống kê, khoanh vùng bị bệnh, xác định mức độ thiệt hại để xử lý phù hợp theo quy trình của Bộ. Kiên quyết tiêu hủy ở những vùng mới xuất hiện bệnh, có diện tích bệnh ít hoặc diện tích bệnh nặng.
- Đề nghị Cục BVTV đề xuất các biện pháp quản lý công tác kiểm định nguồn nhập khẩu giống sắn và lưu thông trong nước.
- Khuyến nông địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật và linh hoạt đề xuất địa phương có chính sách hỗ trợ hợp lý để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế trong việc tiêu hủy vùng sắn bị bệnh.
- Hướng dẫn nông dân trồng mới theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành, đặc biệt trồng theo mùa vụ và theo vùng tập trung để hạn chế lây lan bệnh, tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
- Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất hoặc tìm nguồn giống sạch bệnh cho diện tích trồng mới.
- Xem xét đề xuất của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Hưng Lộc về việc xây dựng vùng nhân giống từng tỉnh. Sơ kết mô hình khuyến nông sản xuất sắn và hội thảo tuyên truyền để nông dân học tập, nhân rộng.
- Bà con nông dân cần nắm chắc quy trình phòng chống bệnh khảm lá sắn của Bộ để áp dụng vào sản xuất nông hộ, tuân thủ chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương để góp phần giảm dịch bệnh, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hại của bệnh và tránh tâm lý chủ quan để dịch bệnh lây lan.
Hoàng Liên