Đánh giá kết quả thực hiện bước đầu của Dự án hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 05/06/2018
Cập nhật lúc: 05/06/2018
Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Vinacafe’ Biên Hoà, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã ký bản ghi nhớ “3 bên” về việc “Thành lập quỹ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất cà phê bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột” và thống nhất lựa chọn xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột là địa bàn triển khai thực hiện chương trình.
Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Vinacafe’ Biên Hoà, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã ký bản ghi nhớ “3 bên” về việc “Thành lập quỹ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất cà phê bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột” và thống nhất lựa chọn xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột là địa bàn triển khai thực hiện chương trình.
Xây dựng mối liên kết bốn nhà trong sản xuất cà phê bền vững
Dự án hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột tại buôn Kõ Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột triển khai từ năm 2017 trên cơ sở biên bản thoả thuận về việc thống nhất triển khai của các bên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP Vinacafe’ Biên Hoà, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến Nông, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên) với 11 hộ tham gia, quy mô 3,35 ha trong đó 09 MH hỗ trợ 50 % kinh phí với mục đích hỗ trợ người dân tái canh đạt hiệu quả cao. Vừa qua Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả hoạt động của Dự án năm 2017, phương hướng hoạt động năm 2018.
Dự án là chương trình liên kết bốn nhà trong đó Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk được Sở Nông nghiệp giao phối hợp với địa phương và doanh nghiệp tổ chức thực hiện chương trình với vai trò chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hỗ trợ thực hiện mô hình.
Về công tác tập huấn đơn vị đã tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, tái canh cà phê bền vững với 170 lượt người tham gia cho các hộ tham gia mô hình, các thành viên HTX Công bằng EaTu, nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn xã EaTu. Với sự hỗ trợ của hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa, Trung tâm đã thực hiện giao 2.290 cây giống cà phê hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình gồm các giống TR4, TR9, TR 11; 90 cây ăn quả trồng xen trong vườn tái canh, cấp phát phân bón, hạt muồng hoa vàng làm cây chắn gió trong vườn cà phê tái canh và tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê sau khi trồng cho các hộ tham gia; xây dựng, chọn hộ và đơn vị kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho 02 mô hình.
Bên cạnh đó trong khuôn khổ chương trình, Dự án đã hỗ trợ bà con thực hiện mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, đến thời điểm này cây sinh trưởng phát triển tốt, số chồi ghép lần 1 đã phát triển được từ 1-3 cặp cành.
Hỗ trợ đồng bộ trong tái canh và canh tác cà phê
Nguồn thu nhập chính của người dân trong buôn là sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích cà phê khoảng 277 ha, thực trạng sản xuất cà phê có biểu hiện già cỗi, năng suất thấp cần phải thanh lý và tái canh lại, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trong điều kiện vốn tích lũy có nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của các hộ tham gia Dự án, trước đây họ đã tiến hành tái canh cà phê nhưng không thành công, từ khi Dự án triển khai trên địa bàn, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, người dân đã biết cách trồng và chăm sóc cà phê tái canh đạt hiệu quả hơn như: chú trọng bón phân hữu cơ, ép phân xanh cho vườn cà phê từ cành của cây muồng hoa vàng để bổ sung nguồn phân hữu cơ, tạo điều kiện cây hấp thu dinh dưỡng tốt nhất; làm tốt công tác chăm sóc trong mùa khô như tủ gốc mùa khô, phát dọn thực bì, làm cỏ, phòng trừ rệp, mọt đục cành và đặc biệt là được hỗ trợ phân tích tuyến trùng và hàm lượng dinh dưỡng trong đất là khâu đặc biệt quan trọng trong kỹ thuật tái canh cà phê. Vì được hỗ trợ đồng bộ về kỹ thuật chăm sóc, phân bón cũng như nước tưới nên mô hình của các hộ tham gia đến thời điểm này được đánh giá sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai chương trình, vì các hộ tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình triển khai gặp phải một số khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ, thông tin và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông đôi lúc chưa được thực hiện đúng theo nội dung chương trình cam kết vì nhận thức và tập quán canh tác của bà con đôi lúc chưa được tiếp cận đầy đủ. Bên cạnh đó vì chưa có hệ thống điện dẫn đến rẫy nên rất khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Theo đánh giá kết quả sau một năm thực hiện, với việc xây dựng các mô hình để “mắt thấy, tai nghe”, Dự án đã bước đầu dần thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiếp cận quy trình tái canh hiệu quả và đặc biệt bước đầu đã tập trung giải quyết được vào vấn đề khó khăn nổi cộm của canh tác cà phê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố vốn và kỹ thuật khiến năng suất, chất lượng cà phê giảm sút, tái canh không thành công.
Hướng đến một nền sản xuất cà phê bền vững
Trên cơ sở những kết quả bước đầu của Dự án cũng như những hạn chế và mặt chưa được của chương trình thực hiện năm 2017, trên cơ sở cuộc họp các bên tham gia Dự án năm 2018 đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ 03 mô hình với diện tích 1,5 ha đầu tư, hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng cà phê trên địa bàn xã, áp dụng những tiến bộ khoa học vào việc thực hiện mô hình để làm điểm đến tham quan, học tập về tái canh cà phê đồng thời giao Trung tâm Khuyến Nông làm việc với địa phương để thực hiện triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững cánh đồng mẫu lớn có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Với những việc đã làm được trong năm 2017, trong thời gian tới, hi vọng rằng mục tiêu ổn định diện tích, năng suất, giúp người dân an tâm, có thể sống bằng nghề trồng cà phê và phục vụ cho chương trình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh với kế hoạch tái canh cà phê từ nay đến năm 2020 để duy trì chỗ đứng của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột gắn với chuỗi giá trị cây cà phê của Dự án sẽ đạt được mục tiêu mong đợi.
Hoàng Liên
Một số hình ảnh của Dự án
Tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê cho các hộ tham gia mô hình và thành viên HTX Công Bằng – Ea Tu
Sở Nông nghiệp &PTNT và Trung tâm Khuyến nông kiểm tra mô hình ghép cải tạo cà phê tại buôn Kõ Tam, xã Ea Tu
Đại diện các bên tham gia đi khảo sát thực địa vườn cây