Đắk Lắk: Xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ cao trong công tác thụ tinh nhân tạo bò
Cập nhật lúc: 13/02/2017
Cập nhật lúc: 13/02/2017
Nghề chăn nuôi bò luôn có thị trường ổn định, giá cả bảo đảm hơn so với các đối tượng vật nuôi khác nên được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn. Hiện nay, với sự phát triển của ngành nông nghiệp biết ứng dụng công nghệ cao để đưa những giống bò tốt có năng suất cao nhằm nâng cao chất lượng giống bò trên địa bàn tỉnh là điều cần phải thực hiện liên tục trong nhiều năm mới giúp cho nghề chăn nuôi bò của tỉnh Đắk Lắk ngày một khởi sắc.
Đắk Lắk: Xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ cao
trong công tác thụ tinh nhân tạo bò
Nghề chăn nuôi bò luôn có thị trường ổn định, giá cả bảo đảm hơn so với các đối tượng vật nuôi khác nên được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn. Hiện nay, với sự phát triển của ngành nông nghiệp biết ứng dụng công nghệ cao để đưa những giống bò tốt có năng suất cao nhằm nâng cao chất lượng giống bò trên địa bàn tỉnh là điều cần phải thực hiện liên tục trong nhiều năm mới giúp cho nghề chăn nuôi bò của tỉnh Đắk Lắk ngày một khởi sắc.
Xã hội hóa là hướng đi tất yếu
Phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) bò bằng tinh cọng rạ đông lạnh được coi là một tiến bộ kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong công tác di truyền chọn giống vào thực tiễn sản xuất. Thực hiện được kỹ thuật này cần có một hệ thống, môi trường để bảo quản, vận chuyển tinh ở điều kiện thích hợp và đội ngũ dẫn tinh viên phải có kiến thức về sinh lý sinh sản của bò, kinh nghiệm thực tiễn, hăng say với nghề. Phương pháp này giúp chủ động về không gian và thời gian trong việc phối giống đã thu hút được đông đảo bà con chăn nuôi và các dẫn tinh viên tham gia mà đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này chính là người chăn nuôi.
Việc thực hiện xã hội hóa công tác TTNT bò được xem là một hướng đi đúng đắn, là giải pháp phù hợp trong bối cảnh kinh tế, ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai thực hiện chương trình TTNT bò trên địa bàn toàn tỉnh và đóng vai trò là “đầu mối” nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động công tác TTNT bò với ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% về ni tơ để bảo quản và vận chuyển tinh, riêng phần vật tư (tinh, ống gen, găng tay) do người chăn nuôi bò đối ứng kinh phí. Hiện nay, bà con không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư từ nhà nước mà thay vào đó họ đã chủ động tham gia tích cực hơn vào công tác thụ tinh nhân tạo bò, trong năm qua, kinh phí bà con đối ứng lên đến 332 triệu chiếm tỷ lệ 62% trên tổng số kinh phí triển khai chương trình.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk luôn quản lý, theo dõi việc nhập xuất vật tư (ni tơ, tinh, ống gen và găng tay) cho các dẫn tinh viên theo nhu cầu thực tế của từng địa phương đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chính xác, thuận lợi, chu đáo, nhiệt tình và tiết kiệm.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông quản lý và xuất vật tư cho dẫn tinh viên
theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương
Biết thay đổi tư duy, sáng tạo trong cách chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con rất phù hợp với thực tế sản xuất, cùng với sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ dẫn tinh viên và được bà con chăn nuôi nhiệt tình ủng hộ nên nhờ vậy, năm 2016, đã có 6.362 con bò cái được phối bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, 5.067 con bê lai được sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt và đạt tỷ lệ nuôi sống trên 95%; trọng lượng bò thịt lai (lúc 24 tháng tuổi) tăng hơn bò thịt nội từ 120-150kg/con, tỷ lệ bê lai hướng thịt tăng từ 30% lên 35% . Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông đưa vào phối thử nghiệm 60 liều tinh bò chuyên thịt BBB ở trên địa bàn huyện Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột với tỷ lệ đậu thai đạt 70%.
Theo ông Dương Văn Hải (dẫn tinh viên huyện Ea Kar) cho biết “Chương trình thụ tinh nhân tạo bò đã mang lại lợi ích rất lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, các bình chứa ni tơ đã cũ nên lượng ni tơ hao hụt khá nhiều nên rất cần có nguồn kinh phí để mua thay thế những bình đã cũ. Đối với việc thử nghiệm tinh bò thịt BBB, khi phối giống cần chọn những con bò cái tốt, gia đình phải có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì những con bò cái mới sinh đẻ được, sinh ra bê lai đẹp và có tốc độ phát triển vượt trội hơn so với những con khác”.
Ứng dụng công nghệ cao là sự thiết thực
Từ khi chương trình TTNT bò triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo ra được nhiều thế hệ lai có ngoại hình rất đẹp, có khả năng sản xuất tốt nên một số bê đực lai như angus… sinh ra được bà con giữ lại làm bò đực giống để phối với bò cái trong vùng. Điều đó cho thấy hiệu quả của chương trình rất thiết thực đối với bà con.
(Bò lai Red Angus được lai tạo từ chương trình TTNT bò tại huyện Ea Kar)
Chương trình TTNT bò đã giúp bà con chăn nuôi (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 15%) biết nắm bắt thông tin và ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi bò của gia đình và cộng đồng. Chương trình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có tính định hướng bền vững, thiết thực đối với nghề chăn nuôi bò của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đàn bò như khả năng sinh trưởng phát triển tốt; cải tạo tầm vóc, thể trọng đàn bò và chất lượng thịt bò; tạo ra các thế hệ lai thích nghi với điều kiện môi trường, đặc biệt tạo ra đàn bò cái đủ tiêu chuẩn làm nền để lai tạo với các giống bò chuyên thịt, sữa; tránh lây lan một số bệnh truyền nhiễm.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được xem là giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định tới sự thành công của việc phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập. Vì vậy, nó được coi là khâu then chốt, tạo bước đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người dân, thay đổi được tập quán chăn nuôi của bà con, hình thành các làng nghề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ (Phó Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi thú y Đắk Lắk) cho biết “Chương trình thụ tinh nhân tạo đã thực hiện trong thời gian khá lâu và hoạt động rất có hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số huyện chỉ hoạt động cầm chừng, cần có hướng chuyên nghiệp và thực tiễn hơn. Các dẫn tinh viên là người am hiểu tình hình chăn nuôi tại địa phương có trách nhiệm tự tuyên truyền cho người dân như phối với giống bò nào thì tốt… để xây dựng chương trình ngày càng chất lượng hơn.” |
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk