Đắk Lắk: Thanh niên phát triển kinh tế trang trại từ mô hình khuyến nông
Cập nhật lúc: 08/05/2017
Cập nhật lúc: 08/05/2017
Hiện nay, thanh niên ở các vùng nông thôn thường chọn đích đến là những thành phố lớn hay các khu công nghiệp để làm việc và sinh sống, do đó, tình trạng “ly hương, ly nông” là nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn lao động trẻ có trình độ trong sản xuất nông nghiệp. Đi ngược lại xu thế ấy, khi lựa chọn nông thôn làm nơi bắt đầu cho những sáng tạo khởi nghiệp là điều không hề đơn giản, đó là câu chuyện của anh Bùi Văn Bảo, sinh năm 1991 (ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã phát triển kinh tế trang trại từ chăn nuôi thành công.
Đắk Lắk: Thanh niên phát triển kinh tế trang trại từ mô hình khuyến nông
Hiện nay, thanh niên ở các vùng nông thôn thường chọn đích đến là những thành phố lớn hay các khu công nghiệp để làm việc và sinh sống, do đó, tình trạng “ly hương, ly nông” là nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn lao động trẻ có trình độ trong sản xuất nông nghiệp. Đi ngược lại xu thế ấy, khi lựa chọn nông thôn làm nơi bắt đầu cho những sáng tạo khởi nghiệp là điều không hề đơn giản, đó là câu chuyện của anh Bùi Văn Bảo, sinh năm 1991 (ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã phát triển kinh tế trang trại từ chăn nuôi thành công.
Khởi nguồn của sự sáng tạo khởi nghiệp
Tôi cùng cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lắk đi tham quan thực tế về gương sản xuất giỏi ở địa phương, thật ngạc nhiên phía trước mắt tôi là một trang trại chăn nuôi được xây dựng khá khang trang. Chủ nhân của trang trại này, không ai khác chính là Bùi Văn Bảo, anh là người đã từng tham gia thực hiện mô hình khuyến nông “chăn nuôi gà an toàn sinh học” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai vào năm 2013.
Nhớ lúc triển khai mô hình khuyến nông chăn nuôi tại địa phương, Bảo chỉ là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng (phân viện Phú Yên), mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng vốn xuất thân từ gia đình làm nông nên công việc chăn nuôi không còn quá xa lạ, bằng sự nhanh nhẹn, chịu khó, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự giúp đỡ, sáng tạo linh hoạt trong cách hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông nên mô hình được anh thực hiện đạt kết quả cao.
Những tưởng Bảo tham gia mô hình khuyến nông chỉ để học hỏi, thử sức với “cái mới cái lạ” hay đơn thuần với suy nghĩ của một thanh niên là thú vui trong thời gian chờ xin một công việc như ý muốn. Ấy vậy, nó đến như một “cơ duyên” đối với Bảo trong lúc không xin được việc làm theo đúng ngành nghề mình học, năm 2014, nhờ có ít kinh nghiệm về chăn nuôi từ mô hình khuyến nông cùng với sự yêu thích đối với nghề đã tạo động lực giúp Bảo lấy quyết tâm gây dựng kinh tế. Anh đã tích góp được 5 triệu đồng trong thời gian đi làm thợ xây cộng thêm số tiền ít ỏi mà Bảo mượn được từ bà con, bạn bè đem đầu tư vào phát triển sản xuất từ chăn nuôi. Ban đầu, Bảo chỉ dám nuôi thử 200 con gà đẻ và 300 con gà thịt, anh thấy gà dễ nuôi, nhanh lớn rồi mong chờ đến ngày hái “quả ngọt” nhưng phải nhận “trái đắng” vì Bảo không tìm được thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Vậy là lứa đầu làm kinh tế bị thua lỗ nhưng đó cũng là bài học kinh nghiệm cho bản thân Bảo ở những chặng đường phía trước.
Khu chăn nuôi gà của anh Bảo lúc mới khởi nghiệp được xây dựng khá thô sơ
Phát triển kinh tế trang trại
Không nản chí, với tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế ở địa phương, Bảo lấy đó làm động lực phấn đấu cho tương lai. Năm 2015, Bảo tiếp tục vay mượn tiền từ bà con, bạn bè để xây dựng lại chuồng trại có quy mô và khoa học hơn. Bảo nghĩ chỉ chăn nuôi gà thôi thì chưa đủ nên mình phải chăn nuôi thêm các loại như: nuôi vịt đẻ lấy trứng, bò sinh sản, heo thịt thì lúc đấy làm kinh tế mới ổn định, đa dạng và phong phú hơn về thị trường. Nghĩ là làm, Bảo lên kế hoạch tỉ mĩ, thận trọng trong từng bước đi và quan trọng hơn là cách chăn nuôi phải theo hướng an toàn sinh học, có như vậy, mới giảm được rủi ro về nhiều mặt. Việc xây dựng chuồng nuôi phải phù hợp với đặc điểm sinh lý của mỗi loại vật nuôi, chúng được nuôi riêng biệt và cách xa nhau.
Trong quá trình nuôi, Bảo luôn tìm hiểu và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trang trại của mình, đặc biệt vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Anh sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót sinh học nhằm phân giải chất thải hạn chế mùi hôi để không gây ô nhiễm môi trường, giảm bớt công lao động cũng như giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, Bảo còn học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi của những người đi trước, tìm hiểu các kiến thức chăn nuôi qua internet, sách báo và tìm đầu ra cho sản phẩm với mong muốn cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Hiện nay, trang trại của Bảo nuôi 700 con vịt đẻ và 200 con gà sinh sản, ngoài ra, mỗi năm anh còn nuôi 4 lứa gà thịt (300 con/lứa), 04 con bò cái sinh sản và hơn 30 heo thịt.
Nhờ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học một cách khoa học và quy củ, mỗi năm, Bảo thu về gần 300 triệu đồng từ trang trại của mình. Không dừng lại ở đó, Bảo dùng số tiền thu được đem tiếp tục đầu tư cho trang trại của mình ngày càng hiện đại và quy mô hơn.
Bảo chia sẻ “Sau khi học xong không xin được việc làm nhưng mà lại thấy có duyên với nghề chăn nuôi, lúc đầu nuôi mình chưa biết kiểm soát dịch bệnh, không có nguồn ra. Sau đó, mình đi tham khảo kỹ thuật của những người đi trước, ở các trang trại và tự đi tìm thị trường nên bây giờ chăn nuôi không còn khó khăn như trước. Hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi được các thương lái tự tìm đến nhà mua, dự định sau này mình sẽ mua thêm đất ở nơi khác rộng hơn để tăng quy mô trang trại phát triển kinh tế”.
Khu chăn nuôi vịt sinh sản ứng dụng đệm lót sinh học của trang trại anh Bùi Văn Bảo tại Thị trấn Liên Sơn- huyện Lắk
Trên thực tế, mô hình khuyến nông chỉ là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Qua đó, giúp bà con học hỏi, nhân rộng, lấy đó làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế của gia đình và câu chuyện của Bùi Văn Bảo là một tấm gương sáng của thế hệ thanh niên đã lựa chọn được hướng đi phù hợp với điều kiện của gia đình trong thời kỳ hội nhập.
Theo ông Bùi Quang Tuyển (Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lắk) cho biết: “Hiện nay, thanh niên có nhiều con đường lập nghiệp khác nhau, huyện Lắk là địa phương không có nhà máy hay khu công nghiệp nên có điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt hay chăn nuôi. Bảo là người đã tận dụng được đất đai của gia đình để phát triển chăn nuôi làm hướng phát triển kinh tế trang trại tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”. |
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk