Đắk Lắk: Nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ứng phó với hạn hán
Cập nhật lúc: 21/11/2016
Cập nhật lúc: 21/11/2016
Cà phê vốn là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk nhưng trong hai năm qua, thời tiết khô hạn bởi hiện tượng El Nino đã làm cho diện tích cây cà phê bị hạn rất lớn, thị trường không ổn định, gây thiệt hại nặng về kinh tế của bà con trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhiều bà con đã chủ động chuyển đổi diện tích cây cà phê bị hạn và già cỗi sang chăn nuôi hay trồng những cây trồng cần ít nước hơn đang là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình trạng hạn hán nhằm đảm bảo thu nhập cho gia đình.
Phá bỏ cà phê năng suất kém sang trồng cỏ nuôi bò
Từ cuối năm 2014, hiện tượng El Nino được nhận định có cường độ hoạt động mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm qua đã ảnh hưởng đến cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, làm nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm mạnh, là nguyên nhân xảy ra tình trạng hạn hán, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con bị thiếu trầm trọng. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê cao nhất cả nước nhưng do ảnh hưởng của El Nino nên diện tích cây cà phê bị hạn hơn 68.000 ha (theo số liệu báo cáo tình hình hạn hán vụ Đông Xuân 2015-2016 của Sở NN & PTNT Đắk Lắk) đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, đe dọa nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và dân sinh.
Trước những thách thức đó, tháng 1 năm 2016, ông Phạm Văn Viên (thôn 2, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) chủ động thay đổi tập quán sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi. Chăn nuôi gia súc tập trung phải gắn liền với đồng cỏ nên ông Viên chịu khó tìm hiểu và nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột để chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng cà phê bị hạn hán, già cỗi kém năng suất sang trồng 7 sào cỏ Va06 phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Viên đang cắt cỏ VA06 để cung cấp thức ăn cho đàn bò của gia đình
Giống cỏ Va06 là giống cỏ được lai tạo giữa hai giống cỏ voi và cỏ đuôi sói của Châu Mỹ cho năng suất, chất lượng cao, hiện nay cỏ này được ví như “vua các loại cỏ”. Cỏ VA06 dễ trồng, thích ứng với mọi loại đất kể cả đất khô hạn, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc sẽ thu cắt lứa đầu, sau đó, cứ 35-40 ngày thì cắt lứa tiếp theo, năng suất trung bình 120 tấn/ha/lứa, mỗi năm thu cắt 7-8 lứa. Trước khi đưa bò về nuôi, bà con chăn nuôi lưu ý cần phải trồng cỏ trước gần 2 tháng để cung cấp thức ăn thô xanh kịp thời theo nhu cầu của bò. Việc trồng cỏ thâm canh trong chăn nuôi gia súc giúp giải quyết vấn đề thức ăn thô xanh cho bò đặc biệt vào mùa khô, giảm công tìm kiếm thức ăn... Ngoài ra, ông còn bổ sung những thức ăn thô xanh khác như rơm (rơm ủ ure), thân cây ngô, thức ăn tinh và chất khoáng vào khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng phát triển của đàn bò.
Thay đổi trong cách nghĩ cách làm
Hiện nay, tập quán chăn nuôi bò của bà con trong vùng chủ yếu là chăn thả, nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp; xây dựng chuồng nuôi thường tận dụng, tự phát; chất lượng con giống chưa cao; không chú trọng khâu chăm sóc nuôi dưỡng để cho bò có thể đạt tốc độ phát triển cao nhất. Nhận thấy những vấn đề tồn tại trong cách làm của bà con chăn nuôi ở địa phương, do đó từ cuối năm 2015, ông quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng những công nghệ mới vào chăn nuôi của gia đình, xây dựng chuồng nuôi theo hướng nông nghiệp hiện đại. Hệ thống chuồng nuôi được làm bằng thép, có mái che hiện đại, đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi (máy cắt và chế biến thức ăn cho bò….). Ngoài đầu tư chuồng trại theo đúng kỹ thuật, thuận lợi trong quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng, đảm bảo yếu tố môi trường sinh thái, ông còn chú trọng trong khâu chọn giống và mua 16 con bò cái giống lai Sind và 1 bò đực giống Brahman đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế của gia đình.
Tuy chăn nuôi bò quay vòng vốn lâu hơn các con vật nuôi khác nhưng lại ít rủi ro, ít bệnh tật, thị trường ổn định và chỉ cần đầu tư con giống tốt 1 lần ban đầu sau đó có thể khai thác bê con trong nhiều năm kết hợp cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý, đồng thời quản lý tốt trong chăn nuôi bò sinh sản là yếu tố đầu tiên để tăng đàn nhanh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Đối với ông Viên, đây là lần đầu tiên nuôi bò sinh sản với quy mô lớn nên ông chưa có nhiều kiến thức về sinh lý sinh sản và phòng trị bệnh cho bò. Trong chăn nuôi bò sinh sản, việc phát hiện kịp thời bò cái động dục và phối giống rất quan trọng để đạt tỷ lệ thụ tinh cao nhất. Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả trong chăn nuôi, ngoài việc cho bò đực giống nhảy trực tiếp thì ông còn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vào công tác thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ để phối giống cho bò. Phương pháp thụ tinh nhân tạo đòi hỏi kiến thức phát hiện động dục tốt và yêu cầu kỹ thuật phối giống nhân tạo cho bò cái phải đúng quy trình, chính xác phù hợp với từng cá thể và kinh nghiệm của các dẫn tinh viên. Khi áp dụng 2 phương pháp trên đều phải đảm bảo được chất lượng và nguồn gốc các loại tinh bò đực giống mới để tạo ra bê lai có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt. Công tác phòng bệnh luôn được thú y xã quan tâm, hỗ trợ tiêm phòng các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng….cũng như điều trị bệnh cho đàn bò; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để bò không bị nhiễm các bệnh do ký sinh trùng gây ra.
Đàn bò của gia đình ông Phạm Văn Viên (thôn 2 – Ea Tu – TP BMT)
Sau 1 năm, nhờ sự chịu khó học hỏi, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sinh sản thâm canh, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã lên đến 30 con, đàn bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh. Tuy hiện nay chưa có doanh thu từ đàn bò nhưng đều nhận thấy được kết quả chăn nuôi rất khả quan hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông trong những năm tới.
Hướng đi đúng đắn, đột phá trong cách làm, ông Viên lựa chọn chăn nuôi bò sinh sản hướng thịt thâm canh, thích ứng với biến đổi khí hậu, là xu thế tất yếu cho ngành chăn nuôi bò trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, hiện nay, người dân muốn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cần xem xét, lựa chọn không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế, đất đai, nguồn nước, kỹ thuật, hiểu rõ thị trường… mà còn không làm phá vỡ quy hoạch vùng trồng một số cây trồng chủ lực của địa phương để tránh những rủi ro gây thiệt hại về kinh tế của bà con.
Cao Phúc
Theo ông Vương Văn Hùng (Trưởng trạm Khuyến nông Tp Buôn Ma Thuột) cho biết: “Ông Viên đã mạnh dạn phá bỏ diện tích trồng cà phê sang trồng cỏ, chăn nuôi bò khép kín, tận dụng tất cả diện tích đất của gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là mô hình rất hay và có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột với quy mô chăn nuôi theo hình thức như ông Viên chưa nhiều nên mong muốn bà con học tập và làm theo”. |