Đắk Lắk: Khuyến nông viên trẻ phát triển kinh tế, đổi mới trong hoạt động khuyến nông
Cập nhật lúc: 20/10/2016
Cập nhật lúc: 20/10/2016
Khuyến nông là người bạn gần gũi, tin cậy của nhà nông, đồng hành với nông dân, là cầu nối giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khuyến nông phải đi đầu trong việc áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thì người dân mới thấy, tin tưởng và làm theo.
Đắk Lắk: Khuyến nông viên trẻ phát triển kinh tế, đổi mới trong hoạt động khuyến nông
Khuyến nông là người bạn gần gũi, tin cậy của nhà nông, đồng hành với nông dân, là cầu nối giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khuyến nông phải đi đầu trong việc áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thì người dân mới thấy, tin tưởng và làm theo.
Tiên phong nuôi dê sinh sản nhốt chuồng
Văn Hữu Báu (sinh năm 1988) vốn xuất thân từ một gia đình làm nông (xã Krông Buk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) nên anh từng nghĩ rằng sẽ góp một phần công sức và trí tuệ của mình vào nền nông nghiệp ở địa phương. Vì vậy, Báu quyết định theo học và tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Đối với bản thân anh, nghề làm nông đã không còn mấy xa lạ, Báu bắt đầu gây dựng kinh tế của gia đình bằng những kiến thức được học từ khi ngồi trên ghế nhà trường cùng tâm huyết, sức trẻ và kinh nghiệm để chăn nuôi lợn, bò, hươu lấy nhung, rắn, nhím, dế… nhưng chúng chẳng mang lại mấy lợi nhuận, chỉ lấy công làm lãi, thu hồi vốn lâu. Báu nhận ra phải tạo nên sự khác biệt thì cần áp dụng được những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi mới có hiệu quả. Nghĩ là làm, Báu tìm hiểu những khó khăn của những người chăn nuôi hiện nay ở địa phương và bắt đầu nghiên cứu tài liệu, sách báo, internet, kinh nghiệm chăn nuôi ở trong nước và thế giới. Năm 2014, nắm được xu thế của thị trường, anh chuyển hướng sang chăn nuôi dê sinh sản để cung cấp cho bà con những con giống tốt có chất lượng hơn những giống dê hiện có ở địa phương. Con giống là điều kiện tiên quyết đưa đến thành công cho người chăn nuôi, Báu đi tìm mua những con giống có năng suất và chất lượng cao ở trong và ngoài tỉnh. Ban đầu, vốn ít nên anh vay mượn người thân, bạn bè để mua giống dê Boer và Bách Thảo với 15 con cái và 3 con đực.
Để chăn nuôi dê đạt hiệu quả cao cần phải thực hiện nghiệm ngặt từ khâu làm chuồng nuôi đến công tác chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi, quản lý đàn dê. Dê là loài động vật sạch sẽ, không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Tùy theo đặc điểm từng vùng, diều kiện từng nhà mà xác định vị tí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng những yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê.
Anh Báu thường xuyên kiểm tra sức khỏe của đàn dê
để phát hiện điều trị bệnh sớm
Thức ăn cho dê phải sạch, khô ráo, không hôi mốc, phối trộn thức ăn tinh – thô cân đối đảm bảo dinh dưỡng cho dê sinh trưởng và sinh sản; phải để nước sạch trong chuồng cho dê uống theo nhu cầu; đặc biệt nuôi dê nhốt chuồng cần bổ sung chất khoáng bị thiếu hụt ở thức ăn như treo đá liếm vào thành chuồng. Ngoài ra, Báu luôn cập nhật những tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới, áp dụng công nghệ thông tin vào việc chăn nuôi của mình như lắp đặt hệ thống camera để quản lý, phát hiện dê động dục giúp cho việc phối giống kịp thời và hiệu quả.
Báu chia sẻ “khi được học và tìm hiểu qua lý thuyết tưởng dễ làm nhưng bắt tay vào nuôi lại gặp nhiều khó khăn nhất là cách phát hiện và điều trị bệnh cho đàn dê, bởi nguyên nhân từ khâu chăm sóc chưa tốt nên dê thường hay bị đau bụng, tiêu chảy, chướng hơi, đau mắt. Hiện nay, qua các lứa nuôi mình đã rút ra được kinh nghiệm là chỉ cần chú ý đến chế độ nuôi dưỡng hợp lý, tiêm phòng, vệ sinh sạch sẽ cho đàn dê thì không có gì đáng ngại”
Văn Hữu Báu chăm sóc đàn dê của gia đình
tại xã Krông Buk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
Nuôi dê sinh sản nhốt chuồng đã khắc phục một số hạn chế so với hình thức chăn nuôi dê thả rông theo kiểu truyền thống, thuận lợi trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý tốt khâu chọn lọc ghép đôi giao phối thích hợp, tránh hiện tượng đồng huyết là điều hết sức quan trọng để tạo ra những đàn dê lai ngoại hình đẹp, có tốc độ sinh tưởng phát triển tốt; đánh số tai, ghi chép nhật ký về lý lịch, phối giống, phòng bệnh, tốc độ tăng trưởng của mỗi cá thể. Cách nuôi này đã đem lại nhiều lợi ích như: không tốn công chăn thả, dê không bị lây nhiễm bệnh từ môi trường ngoài, ít rủi ro, chất lượng đàn cao hơn, phân dê đem bán (1 triệu đồng/m3) tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Đến nay, Báu đã nhân đàn lên được 40 con dê cái sinh sản và tạo ra những con dê lai có chất lượng tốt chuyên cung cấp dê giống, dê thịt ra thị trường ở trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, Báu thu về gần 300 triệu/năm. Từ cách chăn nuôi có hiệu quả của anh mà nhiều bà con trong vùng đều học và làm theo, từ đó số lượng đàn dê trên địa bàn xã Krông Buk hiện nay tăng lên đến 13.000 con, chất lượng con giống được nâng cao, ngoài ra, nhiều bà con chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh cũng biết đến tham quan học tập và mua giống.
Đổi mới nâng cao hoạt động khuyến nông
Báu không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của một khuyến nông viên cơ sở và luôn tìm cách gắn kết chặt chẽ khuyến nông với người dân. Hiện nay, hệ thống khuyến nông viên cơ sở thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đặc biệt là trong bối cảnh cả nước cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, UBND xã Krông Buk đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ khuyến nông hoạt động và thành lập được câu lạc bộ khuyến nông của xã với sự tham gia của khuyến nông viên xã và 13 cộng tác viên khuyến nông thôn buôn có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân trong vùng khi có yêu cầu.
Thay đổi từ suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, Báu bắt đầu khơi dậy tiềm năng là thay đổi từ chính cách canh tác sản xuất của gia đình mỗi cộng tác viên có như vậy mới đủ sức thuyết phục để bà con làm theo. Báu và các cộng tác viên thôn buôn cùng nhau xây dựng vốn quỹ cho câu lạc bộ hơn 15 triệu đồng trên tinh thần tự nguyện, thống nhất nội quy, quy chế quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả vừa mang ý nghĩa tương trợ nhau trong sản xuất phát triển kinh tế (như làm chuồng nuôi, mua vật tư phân bón…) mà còn duy trì và tăng thêm nguồn quỹ cho những năm hoạt động tiếp theo; là động lực cho các thành viên trong phát triển kinh tế để cải thiện đời sống; tạo niềm tin và trách nhiệm trong mỗi thành viên. Không chỉ giúp nhau vay vốn, câu lạc bộ thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp để họ có thể lựa chọn và sử dụng vốn vay hiệu quả phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Câu lạc bộ luôn gắn vai trò, trách nhiệm của mỗi cộng tác viên đối với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả cũng như các tiến bộ kỹ thuật để giới thiệu, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trên phương châm “cùng làm với dân chứ không làm thay dân” đến tận từng hộ dân đã giúp họ thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hướng đến sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy sản xuất bền vững, cải thiện đời sống của nông dân góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Mai (Trưởng trạm Khuyến nông huyện Krông Pắk) cho biết: “Văn Hữu Báu là một trong những khuyến nông viên xã trẻ tuổi, nhiệt tình, quản lý tốt các cộng tác viên khuyến nông thôn buôn trong các hoạt động nông nghiệp rất có hiệu quả so với hệ thống khuyến nông cơ sở ở các xã khác tại huyện Krông Pắk.. Tuy câu lạc bộ khuyến nông của xã không có kinh phí hoạt động nhưng anh em ở cơ sở luôn giúp nhau tạo điều kiện vay vốn để sản xuất cà phê và chăn nuôi nhất là chăn nuôi dê. Hiện nay, các hộ chăn nuôi ở xã Krông Buk tập trung phát triển chăn nuôi dê mạnh nhất đã tạo được thương hiệu trên địa bàn huyện”. |
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk