Đắk Lắk: Hiệu quả từ dự án cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo
Cập nhật lúc: 30/11/2018
Cập nhật lúc: 30/11/2018
Năm 2017-2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng thực hiện mô hình “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo” thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” tại huyện Ea Kar và Krông Bông
Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” triển khai tại huyện Ea Kar và Krông Bông - tỉnh Đắk Lắk có quy mô là 145 con bò cái nền được thụ tinh nhân tạo của 70 hộ tham gia đã đạt được kết quả cao.
Nâng cao chất lượng con giống, kiến thức chăn nuôi
Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất chất lượng cao, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và hướng tới phục vụ xuất khẩu, chính là mục tiêu định hướng phát triển ngành chăn nuôi bò nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng đàn bò góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2017-2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng thực hiện mô hình “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo” thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” tại huyện Ea Kar và Krông Bông - tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu là sử dụng tinh bò đực Brahman ngoại có năng suất chất lượng cao để phối giống cho 145 con bò cái nền bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) của 70 hộ tham gia.
Để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của dự án thì công tác chọn địa điểm thực hiện, lựa chọn các hộ tham gia, tiêu chuẩn chọn bò cái nền, điều kiện chăn nuôi cho đến thay đổi tư duy tập quán, nâng cao kiến thức chăn nuôi của bà con được xem là bước đệm tạo nền tảng cho sự thành công của dự án. Địa điểm thực hiện thuộc vùng quy hoạch và định hướng phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, địa bàn miền núi và đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới… Các hộ được chọn là nông dân sản xuất nhỏ lẻ, nông dân sản xuất hàng hóa, có bò cái nền theo yêu cầu tham gia cải tạo đàn bò, hộ tham gia trên tinh thần tự nguyện, có kinh nghiệm chăn nuôi, có điều kiện học tập và áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất......
Bên cạnh đó, các hộ nông dân được trang bị kiến thức chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn. Sử dụng phương pháp tập huấn có sự tham gia, lấy người học làm trung tâm, phương pháp thuyết trình có hình ảnh minh họa, phương pháp thảo luận nhóm, chú trọng thực hành theo phương pháp “Cầm tay chỉ việc”, lý thuyết kết hợp với thực hành, tham quan theo từng chuyên đề hay các buổi tham quan hội thảo để cùng chia sẻ học tập kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình.
(Lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con tại huyện Krông Bông)
Các hộ tham gia được dự án hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư và nông dân đối ứng 50%. Định mức cho 1 con bò cái nền tham gia mô hình gồm: 2 liều tinh đông lạnh, 2 lít ni tơ lỏng, 2 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo (găng tay, ống gen), 240kg thức ăn hỗn hợp/con.
(Hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho các hộ tham gia tại huyện Krông Bông)
Qua 2 năm triển khai, dự án sử dụng tinh bò đực giống có năng suất chất lượng cao để phối giống bằng kỹ thuật TTNT tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao. Từ 145 con bò cái nền được TTNT đã sinh ra 145 con bê lai có trọng lượng sơ sinh bình quân 23,88kg/con, tỷ lệ nuôi sống đến 6 tháng đạt 99,31% và trọng lượng cai sữa đạt 121,4kg/con. Đàn bê lai sinh ra có tầm vóc đẹp, sinh trưởng nhanh, cho năng suất, chất lượng thịt cao đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người chăn nuôi. Sau 6 tháng nuôi, với 145 con bê lai thì bà con có thu nhập tăng thêm là 146.885.000đ. Hiệu quả kinh tế mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cao hơn so với các hộ ngoài mô hình là 16,28%, mặt khác, bà con không cần tiêu tốn chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho bò đực giống.
Việc áp dụng phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật TTNT sẽ làm tăng nhanh số lượng đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, có giá trị trên phạm vi rộng, chi phí công nghệ thụ tinh nhân tạo rẻ hơn nhiều so với sử dụng bò đực giống nhảy trực tiếp và áp dụng đến tận hộ dân ở tất cả các địa bàn kể cả vùng sâu vùng xa, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau.
Khả năng nhân rộng cao
Từ hiệu quả bước đầu mà dự án mang lại, dự án đã làm lan tỏa nhân rộng thêm 176 hộ ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để phối giống cho 220 bò cái của bà con trên địa bàn.
(Đàn bê lai của gia đình ông Lê Văn Vạn tại xã Ea Sar – huyện EaKar)
Dự án đã giúp bà con tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm, tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong việc phát triển chăn nuôi bò mà còn giúp cho người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông không có quản lý, không kiểm soát được dịch bệnh chuyển sang chăn nuôi có quy mô, có quản lý và kiểm soát được các yếu tố lây lan mầm bệnh hay biết cách xây dựng chuồng nuôi theo kỹ thuật. Đồng thời, giúp bà con biết cách chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người chăn nuôi và cộng đồng.
Qua đó, giúp bà con tiếp thu được những kiến thức về chăn nuôi bò theo hướng bền vững, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, tạo tiền đề hình thành các làng nghề chăn nuôi bò ở địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp. Xây dựng vùng nguyên liệu bò thịt chất lượng cao làm cơ sở để hình thành nhà máy giết mổ, chế biến thịt tập trung phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh và tiến tới xuất khẩu, góp phần hoàn thành một số tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia - xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cao Phúc