Đắk Lắk – Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học
Cập nhật lúc: 28/08/2017
Cập nhật lúc: 28/08/2017
Để góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng đồng thời tăng thu nhập cho nông dân nuôi gia cầm. Năm 2017, thực hiện chương trình Khuyến nông chăn nuôi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (ATSH).
Huyện Krông Bông có tiềm năng phát triển nghề nuôi gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi gia cầm ở huyện Krông Bông còn rất nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Nhìn chung hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm ở địa phương đều có qui mô nhỏ lẻ và manh mún, chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi nên thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con.
Để góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng đồng thời tăng thu nhập cho nông dân nuôi gia cầm. Năm 2017, thực hiện chương trình Khuyến nông chăn nuôi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (ATSH) với quy mô 500 con, 5 hộ tham gia tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. Sau thời gian triển khai thực hiện 4 tháng, mô hình đã cho kết quả khá tốt.
Các hộ tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ 100% chi phí con giống (giống gà King 503), 50% chi phí thức ăn và thuốc thú y. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn làm và bảo dưỡng đệm lót, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.
Hộ nông dân Phùng Thị Phượng – Thôn 8, xã Hòa Lễ
Ông Hoàng Thế Trưởng – hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết: "Áp dụng phương pháp này tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa.. nên giá thành thấp nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Từ khi áp dụng mô hình này đã giảm mùi hôi thối quanh chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, qua đó, giảm tỉ lệ mắc bệnh, đàn gà tăng trưởng nhanh".
Ngoài ra, ban ngày gia đình ông còn thả gà ra vườn, nhờ phương pháp này mà đàn gà của gia đình thường xuyên được vận động, nên đàn gà luôn khỏe mạnh và ít hao hụt. Kết quả sau 3 tháng nuôi, tỉ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng bình quân khoảng 1,8 kg/con. Với giá bán hiện nay là 70.000 đồng/kg, quy mô 100 con thì gia đình ông thu vào khoảng 12 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lại 4 triệu động lợi nhuận.
Đàn gà nhà ông Hoàng Thế Trưởng – Thôn 11, xã Hòa Lễ
Việc làm đệm lót sinh học bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thời gian thực hiện ngắn nhưng hiệu quả kinh tế, môi trường mang lại khá cao cho người chăn nuôi.
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông đã có những bước đi đầu tiên khá thành công, bà con nông dân đã biết và áp dụng khá tốt quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Và đây cũng là nền tảng để bà con nông dân ở địa phương nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế trong gia đình nói riêng và trên địa bàn huyện Krông Bông nói chung.
Phan Vũ – Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk