Đắk Lắk: Hiệu quả của Chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo
Cập nhật lúc: 08/05/2022
Cập nhật lúc: 08/05/2022
Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện từ nhiều năm nay với sự hỗ trợ của Nhà nước về các loại vật tư (bình chứa ni tơ, tinh đông lạnh, khí ni tơ hóa lỏng, găng tay, ống gen) và đã đào tạo được đội ngũ dẫn tinh viên hoạt động có tổ chức, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề cùng sự đồng lòng của bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng đàn bò ngày càng có nhiều khởi sắc, từ những con bò địa phương có tầm vóc nhỏ được phối với tinh những con bò đực giống tốt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho ra đàn bò lai có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh, cải thiện về tầm vóc, tăng khả năng sản xuất, đặc biệt xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò chuyên thịt chất lượng cao.
Hội nghị Tổng kết Chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo năm 2021
Kế thừa nền tảng mà chương trình đã xây dựng và đạt được từ những năm trước, cùng những khó khăn thách thức được xem là điều kiện tiên quyết để Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk đưa ra giải pháp tiến hành xã hội hóa chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thu hút sự tham gia của người chăn nuôi, đội ngũ dẫn tinh viên và chính quyền địa phương. Mục đích của chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến nông và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương phù hợp trong tình hình mới, giải quyết những khó khăn về nguồn vốn để duy trì chương trình và phục vụ nhu cầu thiết thực của bà con chăn nuôi ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh.
Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản không chỉ giúp bà con nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Bê con sinh ra đạt chất lượng cao, có tầm vóc và sức đề kháng tốt. Chương trình cải tạo đàn bò phát triển tốt cả về chất lượng và số lượng, tính đến hết tháng 12/2021 đã có 82.871 con bò được phối bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, số bò có thai là 68.389 con, tỷ lệ bê lai chuyên thịt chất lượng cao tăng từ 20% lên 30%, số bê lai sinh ra là 60.451 con. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, tỷ lệ nuôi sống trên 95%, cùng tháng tuổi bê lai tăng trọng gấp 1,5 lần so với bê địa phương, thu nhập tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng/năm cho người chăn nuôi bò trên toàn tỉnh.
Hiệu ứng của chương trình đã tác động đến đội ngũ dẫn tinh viên và bà con chăn nuôi bò, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chấp nhận tham gia đối ứng kinh phí mua vật tư (tinh đông lạnh, găng tay, ống gen) phục vụ nhu cầu thiết thực của người chăn nuôi, nhờ đó nhiều người chăn nuôi tự tuyên truyền lẫn nhau để nâng cao kiến thức chăn nuôi. Đội ngũ dẫn tinh viên ngày càng có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm, không ngại khó khăn, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, kiên trì mang những tiến bộ kỹ thuật mới đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân nhận thức thay đổi tập quán chăn nuôi. Các dẫn tinh viên có ý thức cao hơn trong việc tiết kiệm vật tư thụ tinh nhân tạo, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, thận trọng khi phối giống để đạt tỷ lệ thụ thai cao nhất. Thêm vào đó, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người chăn nuôi bò khi tham gia chương trình. Từ đó đã xuất hiện nhiều gia trại chăn nuôi vỗ béo bò thịt chất lượng cao mang lại hiệu quả lớn cho người chăn nuôi để hình thành làng nghề chăn nuôi bò thịt.
Bê lai BBB tại huyện Cư Mgar
Bê lai Red Angus tại huyện Madrăk
Bê lai thịt 3 máu tại huyện Ea Kar
Chương trình mang tính nhân văn, đã được xã hội chấp nhận quy tụ sự tham gia của người dân và có sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng mang lại hiệu quả cao, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập cho người dân chăn nuôi bò góp phần nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên mới để kế cận, tuyên truyền nhân rộng giúp các hộ nghèo, các hộ ở vùng sâu vùng xa có thể tham gia chương trình.
Có thể nói công tác xã hội hóa chương cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là sức mạnh tổng lực của các cả hệ thống khuyến nông, chính quyền địa phương và người chăn nuôi giúp chương trình ngày càng phát triển bền vững. Thực tế này đưa ra định hướng những năm tiếp theo cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đổi mới công tác khuyến nông trong tình hình mới, gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Thăng Long - TTKN,GCTVN&TS