Đắk Lắk: Giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ mô hình bò cái luân chuyển
Cập nhật lúc: 10/01/2017
Cập nhật lúc: 10/01/2017
Ước muốn có được số tiền đầu tư để chăn nuôi bò đối với các hộ nông dân nghèo đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là điều còn quá xa vời trong suy nghĩ của họ. Chính vì vậy, bằng cách nuôi bò cái luân chuyển có nghĩa là ban đầu cho bà con bò cái giống nuôi và sau khi sinh ra bê con rồi luân chuyển bê cho các hộ khác và họ sẽ có được bò giống từ chính sức lao động của mình. Có như vậy, mới có thể biến ước mơ của họ thành hiện thực.
Đắk Lắk: Giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
từ mô hình bò cái luân chuyển
Ước muốn có được số tiền đầu tư để chăn nuôi bò đối với các hộ nông dân nghèo đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là điều còn quá xa vời trong suy nghĩ của họ. Chính vì vậy, bằng cách nuôi bò cái luân chuyển có nghĩa là ban đầu cho bà con bò cái giống nuôi và sau khi sinh ra bê con rồi luân chuyển bê cho các hộ khác và họ sẽ có được bò giống từ chính sức lao động của mình. Có như vậy, mới có thể biến ước mơ của họ thành hiện thực.
Thay đổi tập quán của bà con DTTS
Hướng đến bà con DTTS trên địa bàn tỉnh giúp họ phát triển kinh tế, đó là ưu tiên hàng đầu của công tác khuyến nông tỉnh Đắk Lắk. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk triển khai mô hình bò cái luân chuyển tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn giúp bà con tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cũng như thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu. Ngay từ khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đã gắn được vai trò của Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn, UBND xã Ea Nuôl, khuyến nông viên cơ sở và ban tự quản thôn buôn vào công tác theo dõi và quản lý để mô hình đạt hiệu quả cao.
Công tác chọn hộ tham gia là yếu tố tiên quyết để mô hình mới thực sự trở nên có ý nghĩa, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả. Các hộ được chọn phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện, dám thay đổi, tâm huyết, chưa có bò, có nhu cầu phát triển chăn nuôi bò nhưng không có tiền đầu tư mua bò và đặc biệt phải là hộ đồng bào DTTS.
Thay đổi tập quán chăn nuôi cho bà con thì cần phải thay đổi toàn diện từ cách nghĩ đến cách làm. Trước khi chuyển giao con giống, Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn đã chuyển giao giống cỏ và hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ VA06 nhằm giải quyết thức ăn cho bò đặc biệt vào mùa khô để bà con không phải tìm kiếm thức ăn cho bò hàng ngày, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bò sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk còn chuyển giao 2 bò cái giống (có tỷ lệ 50% máu lai) có trọng lượng trung bình 180 kg/con cho 2 hộ luân chuyển đợt 1.
Cùng với đó, các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản để thay đổi cách chăn nuôi cũ của bà con. Đối với tập quán chăn nuôi cũ, bà con thường xây dựng chuồng nuôi không có nơi xử lý phân gây ô nhiễm môi trường, không chú ý tới vệ sinh thú y và phòng bệnh cho gia súc. Nhưng sau khi được tập huấn, bà con đã biết cách làm chuồng với chi phí đầu tư thấp nhưng đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, thuận lợi trong việc thu gom chất thải để xử lý (ủ) trước khi bón cho cây trồng hoặc đem bán tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà không gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, bà con còn biết cách chăn nuôi để con bò được khỏe mạnh, sinh trưởng, sinh sản và phát triển tốt.
Mô hình bò cái luân chuyển tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Anh Y Luông Kbuôr (buôn Ko Dung, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chia sẻ “Mới bắt đầu nuôi bò, ngoài việc chăn thả thì gia đình trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bò nhất là trong những ngày mưa, mùa khô hoặc không đi chăn thả được. Ngoài ra, gia đình còn tiêm phòng và tẩy giun sán cho bò nên bò khỏe mạnh, phát triển tốt”.
Mục tiêu là tạo ra con giống
Mô hình này giúp bà con tạo dựng nguồn vốn cho gia đình cũng như tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò sinh sản. Từ con bò cái ban đầu, qua chăm sóc nuôi nuôi dưỡng và sinh sản, sau đó đẻ ra bê con và luân chuyển bê sang hộ khác giúp cho các hộ nông dân tham gia có con bò để chăn nuôi, tăng thu nhập từ chăn nuôi bò. Tiếp tục duy trì nguồn vốn ban đầu để chuyển giao cho nhiều lượt hộ tham gia trong nhiều năm.
Để đánh giá hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao mô hình cho Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn phối hợp với UBND xã Ea Nuôl tiếp tục theo dõi, quản lý, hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục, phối giống và luân chuyển bê con 12 tháng tuổi cho các hộ khác có nhu cầu phát triển chăn nuôi bò trong những năm tiếp theo ở địa phương.
Theo ông Tô Văn Liệu (Trưởng trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn) cho biết “Để đánh giá được hiệu quả kinh tế thì trong những năm tới cần tiếp tục theo dõi, quản lý để chuyển bê con cho các hộ tiếp theo, các hộ tham gia phải chú ý đến việc sổ sách ghi chép, phòng bệnh cho bò và chuẩn bị nguồn thức ăn cho bò vào mùa khô đảm bảo nhu cầu dinh dưỡngcho bò để sinh trưởng, phát triển và sinh sản. Trước khi giao bò, phải có cam kết ràng buộc trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan để mô hình có hiệu quả”.
Mô hình không những giúp bà con phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống mà còn có ý nghĩa mang tính nhân văn trong quản lý và gắn kết cộng đồng, góp phần đẩy mạnh vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, bà con rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành giúp bà con có nhu cầu chăn nuôi bò trên toàn tỉnh có thể tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế theo định hướng nông nghiệp bền vững và sự phát triển của xã hội.
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk