Đắk Lắk: Dự án khuyến nông trung ương hỗ trợ vật cho nông dân (223)
Cập nhật lúc: 06/09/2024
Cập nhật lúc: 06/09/2024
Ngày 26-28/8/2024 trong khuôn khổ dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Tây nguyên”, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp với trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ, Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, trạm khuyến nông huyện Ea H’leo và chính quyền địa phương tổ chức cấp phát vật tư hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình.
Cấp vật tư tại Phường An Bình, TX. Buôn Hồ
Năm 2024, tại Đắk Lắk, dự án đã và đang triển khai thực hiện 50 ha mô hình trình diễn, gồm: mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng mới cây chanh dây tại thị xã Buôn Hồ, huyện Ea Hleo, huyện Buôn Đôn và huyện Cư Kuin với 51 hộ tham gia. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ vi sinh, riêng mô hình trồng mới chanh dây được hỗ trợ 70 % chi phí phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn kỹ thuật thâm canh sầu riêng và mít theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nông nghiệp bền vững dựa trên cơ sở tận dụng điểm mạnh về điều kiện tự nhiên thuận lợi và kinh nghiệm sản xuất của các hộ trồng.
Ngày 26 - 28/8/2024, Dự án cấp phát hỗ trợ vật tư đầy đủ cho các hộ tham gia thực hiện mô hình của dự án (trong đó: 33 hộ tham gia mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 35 ha; 10 hộ tham gia mô hình trồng mới chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 50 ha; 8 hộ tham gia mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 10 ha). Kết quả buổi bàn giao vật tư phân bón diễn ra đúng, đủ chủng loại và đảm bảo chất lượng.
Thông qua việc thực hiện Dự án, các hộ tham gia mô hình đã tiếp cận và thực hiện chăm sóc cây ăn quả (sầu riêng, mít, bơ, chanh leo) đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mô hình đã có những hiệu quả thiết thực về mặt môi trường và xã hội. Người sản xuất có trách nhiệm với chính mình, môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không còn tình trạng lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học để thâm canh mà tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân bón hóa học một cách cân đối, hợp lý.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của dự án, theo dõi các mô hình trình diễn và đánh giá kết quả của dự án để có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP và phổ biến nhân rộng mô hình ra các hộ và địa phương khác../.