Đắk Lắk: “Đệm lót sinh học” – Giải pháp mới xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Cập nhật lúc: 24/12/2014
Cập nhật lúc: 24/12/2014
Chăn nuôi lợn là nghề truyền thống đã đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng vấn đề xử lý chất thải và giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi lợn vẫn là bài toán khó đối với các hộ chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đất, nước, không khí, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người chăn nuôi và cộng đồng
Hiện nay, chất thải chăn nuôi chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp ủ phân truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp trên chưa giải quyết được vấn đề môi trường như: mùi hôi, ruồi, muỗi là vật trung gian làm lây lan các bệnh truyền nhiễm cho con người và gia súc. Nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, trước đây các công trình khí sinh học (hầm biogas) là giải pháp được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn nhưng hiện nay đệm lót sinh học là giải pháp mới đang được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Năm 2014, Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai mô hình trình diễn “Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt” quy mô 20m2/ô chuồng/hộ với 15 hộ tham gia tại các xã, phường Hòa Xuân, Hòa Phú, Ea Tu, Hòa Thuận, Tân An, Tân Lập, Tự An trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50% vật tư: chất độn chuồng (mùn cưa, trấu), chế phẩm sinh học Balasa N01, bột bắp và tập huấn kỹ thuật quy trình đệm lót sinh học.
“Đệm lót sinh học” dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tuy nhiên cần cải tạo chuồng nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật. Trong quá trình sử dụng cần làm tốt công tác bảo dưỡng đệm lót để đảm bảo độ tơi xốp và đủ độ ẩm, đây là yếu tố tạo nên sự thành công cho mô hình này.
Sau 3 tháng triển khai, Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội nông dân Phường Tự An tổ chức hội thảo, tham quan cho bà con nông dân trên địa bàn. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả cao: giảm được ruồi muỗi, mùi hôi giảm đến 90%; ngoài ra còn giảm các chi phí chăn nuôi như: giảm hơn 70% tiền điện, nước, công lao động, sau đó đệm lót đã qua sử dụng là nguồn phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.
Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Lân ở 152/3 Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP. BMT cho biết: “Gia đình tôi nuôi lợn 10 năm nay, thường xuyên bị bà con trong tổ dân phố phàn nàn về mùi hôi mặc dù hàng ngày xịt rửa chuồng trại sạch sẽ nhưng từ khi áp dụng đệm lót sinh học thấy không còn mùi hôi, lợn khỏe mạnh, ít bị bệnh, chuồng trại luôn khô ráo, thấy đỡ vất vả hơn trước”.
Mô hình “Đệm lót sinh học” tại gia đình ông Vũ Ngọc Lân (152/3 Trần Quý Cáp – Tp. BMT)
Ông Vương Văn Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết thêm: “Bước đầu triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn như một số hộ ban đầu đăng ký nhưng sau đó không tham gia vì chưa tin tưởng về hiệu quả của mô hình. Sau khi triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả ban đầu đặc biệt mùi hôi giảm đáng kể, đỡ tốn công dọn rửa chuồng trại nên họ đã tự bỏ tiền ra để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi của gia đình”.
Mô hình “đệm lót sinh học” đã chứng minh được khả năng xử lý vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Do đó trong thời gian tới, đề nghị Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột cùng các ban ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình đặc biệt trong điều kiện phát triển chăn nuôi lợn trong khu dân cư./. Cao Phúc