Đắk Lắk dạy nghề chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả cao
Cập nhật lúc: 14/10/2015
Cập nhật lúc: 14/10/2015
Tiếp tục thực hiện công tác “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã tổ chức 04 lớp dạy nghề trong đó có 02 lớp chăn nuôi heo, bò với 47 học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,48% tại Thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn trong đó có vùng đặc biệt khó khăn.
Điều kiện sống của bà con DTTS còn ở mức thấp và gặp nhiều khó khăn, do thiếu tư liệu sản xuất, việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu vốn chỉ giải quyết cuộc sống trước mắt và chưa có những điều kiện căn bản để phát triển sản xuất theo chiều hướng ổn định và sản xuất theo hướng hàng hóa. Để giúp bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, dạy nghề chăn nuôi phải gắn với đặc thù của sản xuất nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Tiếp tục thực hiện công tác “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã tổ chức 04 lớp dạy nghề trong đó có 02 lớp chăn nuôi heo, bò với 47 học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,48% tại Thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn trong đó có vùng đặc biệt khó khăn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại tham gia lớp học của các học viên đòi hỏi công tác tuyển sinh cần tập trung ở một cụm dân cư, địa điểm tổ chức lớp học gần nhà, bố trí lịch học linh động tránh những ngày mùa vụ, phù hợp với tâm lý của các học viên, cán bộ giáo viên phải thường xuyên di chuyển đến địa điểm tổ chức lớp học để giảng dạy.
Với sự chênh lệch về độ tuổi, tâm lý, trình độ dân trí giữa các học viên nên trong quá trình đào tạo mỗi giáo viên đã nỗ lực rất lớn ở nhiều khía cạnh: phải hiểu được tâm lý bà con, giảng dạy phải nhiệt tình, nhẹ nhàng phân tích,biết thương yêu và giúp đỡ học viên; phương pháp truyền đạt lấy học viên làm trung tâm, áp dụng nhiều phương pháp tập huấn linh hoạt, kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, minh họa thực tế sâu sắc.
Song hành với học lý thuyết, việc bố trí nhiều giờ học thực hành giúp cho bà con dễ hiểu, làm được các kỹ thuật chăn nuôi (heo, bò) ứng dụng tốt vào thực tiễn sản xuất của mỗi gia đình và địa phương. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, tạo điều kiện để học viên được mắt thấy tai nghe, tay được làm thử. Ngoài ra, các giáo viên luôn quan tâm khích lệ, phát huy khả năng, năng khiếu của mỗi học viên để lớp học luôn có không khí sôi nổi.
(Giờ học thực hành của các học viên lớp Chăn nuôi heo tại Trại HLGS
- Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk)
Qua khảo sát thực tế tại 02 lớp học về 4 tiêu chí (tổ chức, nội dung, phương pháp, sự tham gia của học viên) để lấy căn cứ nhằm đánh giá chất lượng lớp học đã nhận được sự phản hồi đáng khích lệ trên tất cả các tiêu chí cụ thể: 90-100% học viên đánh giá rất tốt về công tác tổ chức, nội dung bài giảng và phương pháp truyền đạt chiếm từ 86-95% và sự tham gia tích cực của các học viên.
Sau 3 tháng học tập, các học viên đã có những tiến bộ rõ rệt từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến tác phong lao động. Kết quả 100% học viên đã được tốt nghiệp, trong đó có 8% học viên đạt loại giỏi, 52-70% đạt loại khá, 20-39% đạt học lực trung bình khá, không có học lực yếu kém...
Đạt được những kết quả trên không thể thiếu sự nhiệt tâm, kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên, sự phối hợp của chính quyền địa phương và ý chí ham học hỏi của mỗi học viên. Có thể khẳng định, mỗi lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức tại địa phương là nỗ lực rất lớn của người dạy và người học. Qua các lớp dạy nghề đã có nhiều bà con đồng bào DTTS biết áp dụng kiến thức đã học vào hoạt động sản xuất của gia đình và thôn buôn. Về mặt xã hội, dạy nghề cho đồng bào DTTS đã tác động tích cực đến việc thay đổi tập quán lạc hậu, giải quyết việc làm tại chỗ. Ngoài ra, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo điều kiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới trên các tiêu chí 10,11,13 góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./. Cao Phúc