Đắk Lắk: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để giảm thiệt hại
Cập nhật lúc: 07/04/2017
Cập nhật lúc: 07/04/2017
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, thiệt hại trong mùa khô hạn năm 2016 vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh là nặng nề nhất trong vòng 30 năm qua, nhất là các loại cây công nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, thiệt hại trong mùa khô hạn năm 2016 vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh là nặng nề nhất trong vòng 30 năm qua, nhất là các loại cây công nghiệp. Vì vậy, để hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, các loại cây công nghiệp nói riêng đòi hỏi tỉnh phải quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, kiểm soát được diện tích các loại cây trồng, đồng thời đưa các loại giống mới có khả năng chịu hạn cao và áp dụng các mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước vào sản xuất…
Mùa khô năm 2016, nhiều diện tích cà-phê của người dân ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk thiếu nước tưới, gây thiệt hại nặng nề.
Thiệt hại nặng nề
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Quốc Thích cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng trong mùa khô vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk là do diện tích các loại cây công nghiệp phát triển quá nhanh.
Theo quy hoạch phát triển của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, Tây Nguyên sẽ giảm diện tích cà-phê xuống còn 447.000 ha, trong khi đó, diện tích cà-phê vùng Tây Nguyên hiện nay đã vượt hơn 100.000 ha. Việc phát triển diện tích cà-phê không theo quy hoạch đã ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Đến nay, diện tích cà-phê được tưới từ các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên chỉ được khoảng 20%, còn đến 80% diện tích không chủ động được nước tưới. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có diện tích cà-phê nhiều nhất cả nước, với hơn 203.000 ha, trong đó có khoảng 180.000 ha kinh doanh. Nhưng diện tích cà-phê được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ khoảng 52.000 ha, diện tích còn lại tưới bằng nguồn nước suối, giếng đào, giếng khoan.
Không chỉ cây cà-phê mà diện tích cây tiêu cũng vượt xa so với quy hoạch. Theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2020 diện tích cây tiêu trên địa bàn toàn tỉnh là 16.000 ha nhưng đến nay diện tích cây tiêu của Đắk Lắk là 21.400 ha, vượt 5.400 ha…
Do diện tích các loại cây công nghiệp tăng quá nhanh, vượt quy hoạch dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng buộc người nông dân ở Đắk Lắk phải tìm mọi cách để cứu cây trồng. Một trong những cách đó là trong mùa khô vừa qua, nông dân ở Đắk Lắk đã ồ ạt đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cà-phê, hồ tiêu, nhưng việc khoan giếng này không ai quản lý làm cho mạch nước ngầm trên địa bàn tụt mạnh khiến cho tình trạng khô hạn ngày càng khốc liệt hơn.
Theo thống kê Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong mùa khô hạn vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh có tới 90.744 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó mất trắng 8.692 ha. Cũng trong đợt khô hạn vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 469 con gia súc và 1.809 con gia cầm bị chết do nắng nóng và thiếu thức ăn… Ước tổng thiệt hại hơn 3.100 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 35.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý
Để giải quyết vấn đề thiếu nước tưới, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều biện pháp liệt. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Quốc Thích cho biết: Định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay của tỉnh là phải chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng địa bàn, kiên quyết chuyển đổi những diện tích cà-phê ngoài vùng quy hoạch, có điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp và thiếu nước tưới sang trồng các loại cây khác cần ít nước tưới hơn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng thêm diện tích cà-phê, hồ tiêu mà chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị, nhu cầu tưới nước ít hơn. Đối với những vườn cà-phê nằm trong vùng quy hoạch đã già cỗi, năng suất thấp cần đẩy mạnh tái canh cà-phê và sử dụng các dòng giống đã được công nhận như TR4, TR5, TR9, TR10, TR11, TR12… năng suất vừa cao lại chống chịu được với khô hạn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là giống cây công nghiệp lâu năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá nguồn nước, xác định những diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới yêu cầu không đưa vào kế hoạch sản xuất. Những vùng bấp bênh về nguồn nước, năm trước đã bị hạn nên chuyển đổi cây trồng phù hợp. Điều tra, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi để điều chỉnh quy hoạch tổng hợp phát triển tài nguyên nước, quản lý khai thác tài nguyên đất, nước phù hợp với bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững.
Đầu tư xây dựng sớm những công trình thủy lợi trọng điểm đã được xác định để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Tăng cường đầu tư mở rộng và kiên cố hệ thống kênh mương, nhất là đối với các hồ chứa lớn để khai thác nguồn nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và các cấp chính quyền để tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống hạn và sử dụng nước tiết kiệm.
Mặt khác, để sản xuất các loại cây công nghiệp, nhất là cây cà-phê, hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong việc quản lý nước tưới, đặc biệt là việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến cho cây cà-phê một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI cho biết, thời gian qua viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà-phê. Hệ thống này được lắp đặt đơn giản, giá chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha (tùy vật liệu); lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây 60-80 lít/giờ/gốc, thời gian tưới chỉ cần tối đa bốn đến năm giờ là đủ lượng nước cho cây ra hoa hiệu quả và tập trung. Ngoài ra, việc kết hợp bón phân qua nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đều đặn và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà-phê cho thấy, các mô hình tưới nước tiết kiệm tiết kiệm được hơn 20% lượng nước tưới và lượng phân bón, tiết kiệm được 15 triệu đồng/ha mà cây vẫn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng tới năng suất.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tưới tiết kiệm nước này chưa được nhân rộng trong nhân dân do cách tiếp cận còn khác nhau; thông tin tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo còn thiếu và yếu; chi phí ban đầu đối với công nghệ tưới tiên tiến còn cao…
Vì vậy, để phát triển ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện rộng, Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần nghiên cứu các giải pháp tích hợp, hoàn thiện công nghệ, thiết bị nhằm giảm giá thành đầu tư; có các giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước… góp phần tích cực chống hạn cho cây trồng và giảm thiểu những thiệt hại do hạn hán gây ra ở Tây Nguyên.
Do thiếu nước tưới, nông dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin chuyển từ trồng cà-phê sang trồng tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Nhandan.org.vn