Đắk Lắk: Cẩn trọng hơn với đối tượng bọ trĩ gây hại trên lúa vụ Đông Xuân 2022-2023
Cập nhật lúc: 16/02/2023
Cập nhật lúc: 16/02/2023
Tại Đắk Lắk, thời tiết trước và sau tết Quý Mão có những yếu tố bất thuận hơn so với cùng kỳ năm trước, tác động không nhỏ đến sự phát triển của cây lúa ở giai đoạn mạ, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại trên lúa vụ đông xuân 2022-2023. Hầu hết, những cánh đồng lúa trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, đều xuất hiện những diện tích bị bọ trĩ phát sinh gây hại, mặc dù điều kiện tưới tiêu vẫn đầy đủ.
Trao đổi với một số bà con đang sản xuất trên những cánh đồng lúa tại thành phố Buôn Ma Thuột đã cho biết: diện tích sản xuất lúa của nông dân thực tế rất manh mún, phần lớn khoảng 0,1 ha/hộ, chủ yếu là sản xuất lúa gạo để ăn, nên chủ quan, ít quan tâm đến kỹ thuật sản xuất lúa. Theo đó, một số nông dân chưa áp dụng đầy đủ về kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Minh chứng là đến giờ, khi cây lúa đã vào thời kỳ đẻ nhánh mà một số diện tích lúa vẫn chỉ bón đạm, chưa được cung cấp kali và lân theo nhu cầu về dinh dưỡng của cây. Việc bón phân không hợp lý, đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong cây, cây suy yếu, không có khả năng kháng sâu bệnh khi thời tiết không thuận lợi. Chưa kể các giống lúa thuần bà con sử dụng gieo sạ từ lúa thịt qua nhiều vụ đã bị “thoái hóa giống”, dễ bị sâu bệnh xâm nhập. Một khó khăn nữa trong sản xuất lúa là nhiều hộ ở địa phương khác đến “xâm canh” bằng hình thức thuê, mượn ruộng để làm, nên khi địa phương tổ chức tập huấn về “kỹ thuật sản xuất lúa” thì không mời được người trực tiếp làm ruộng để hướng dẫn cụ thể. Căn cứ vào diện tích lúa nước tại địa phương, ước tính mỗi năm số nông dân sản xuất lúa ở cơ sở tham gia các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn tổ chức đạt từ 5% - 8% so với tổng số hộ có diện tích lúa. Đây cũng là nguyên nhân bà con ứng phó lúng túng trong sản xuất lúa khi sâu bệnh phát sinh, lây lan gây hại khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Mặc dù cây lúa có khả năng đền bù rất lớn, tuy nhiên nếu thời kỳ mạ bị bọ trĩ gây hại với tỷ lệ lớn, thời gian gây hại kéo dài sẽ làm khuyết mật độ lúa trên ruộng, ảnh hưởng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo. Chưa kể bọ trĩ cứa hút gây vết thương phần chóp lá, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tiếp tục gây bệnh vàng lá ở thời kỳ kế tiếp. Đối với giống lúa trung ngày và dài ngày, vụ đông xuân khi bị bọ trĩ gây hại, cây lúa phải mất một quá trình phục hồi, sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng so với thường lệ, theo đó vấn đề thiếu nước vào cuối vụ có thể xảy ra, vì vụ đông xuân cây lúa hưởng nước theo kế hoạch điều tiết từ nguồn thủy lợi địa phương. Còn đối với giống lúa ngắn ngày, vụ đông xuân nếu bị bọ trĩ gây hại nặng, chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Cục bộ, có ruộng bị bọ trĩ gây hại nặng ở thời kỳ mạ, người dân buộc phải phá đi để gieo sạ lại, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế.
Lúa vụ Đông Xuân 2022 – 2023 tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột
Để phòng, trừ bọ trĩ có hiệu quả vụ đông xuân, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là áp dụng chương trình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp- IPHM” (Integrated Plant Health Management) trên nền tảng của quản lý dịch hại tổng hợp - IPM ngày trước vào sản sản xuất lúa với các nguyên tắc cơ bản như sau:
Một là, phải làm cho chân đất ruộng khỏe, giúp điều tiết nước và các chất hòa tan trong đất, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng, cung cấp phương tiện cho cây lúa bám rễ, hút dinh dưỡng tốt thông qua việc xử lý đất và bón lót phân hữu cơ hợp lý.
Hai là, chọn giống lúa tốt, phù hợp sinh thái địa phương, sạ với mật độ hợp lý, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo nhu cầu sinh lý của cây lúa qua từng giai đoạn.
Ba là, giữ cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa, thông qua mối quan hệ tương hổ giữa đất, cây trồng, môi trường và sinh vật trong tự nhiên, thông qua việc hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa trên ruộng.
Bốn là, giám sát và kiểm tra đồng ruộng thông qua quá trình hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước, đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Năm là, nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm đối với sản xuất lúa, thông qua việc phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa, góp phần bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương.
Ngoài ra, địa phương thường cần thường xuyên quan tâm rà soát, đánh giá tình hình sản xuất lúa tại cơ sở, theo đó cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn trên địa bàn để tổ chức tập huấn, hướng dẫn các vấn đề liên quan trong sản xuất lúa, chuyển giao tiến bộ KHKT đầy đủ cho nông dân./.
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột