Đắk Lắk: Cần cẩn trọng một số sâu bệnh hại chính vụ hè thu năm 2023
Cập nhật lúc: 17/07/2023
Cập nhật lúc: 17/07/2023
Diện tích lúa sản xuất vụ hè thu thường tăng gấp rưỡi so với vụ đông xuân. Sản lượng lúa thu hoạch vụ hè thu thường chiếm từ 60 - 70% tổng sản lượng lương thực hàng năm, góp phần lớn trong việc ổn định an ninh lương thực của địa phương và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng lương thực đề ra cả năm của tỉnh. Tuy nhiên, vụ hè thu Tây Nguyên, thời tiết thường diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen nhau, tạo môi trường khí hậu phù hợp cho nhiều loại sinh vật gây hại phát sinh lây lan, có thể làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông dân.
Cán bộ Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây lúa
Một số sâu, bệnh hại chính ở vụ lúa hè thu
Với cây lúa, từng giai đoạn sinh trưởng luôn có các đối tượng sâu, bệnh hại khác nhau phát sinh gây hại. Ở thời kỳ mạ và đẻ nhánh, lá lúa non mềm mỏng nên là thức ăn tuyệt hảo cho bọ trĩ cứa hút dinh dưỡng và cuốn lá nhỏ ăn phần nhu mô của lá, hạn chế quá trình quang hợp để tích lũy dinh dưỡng của cây lúa, làm kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa do mất đi một quá trình phục hồi, nếu bị bọ trĩ gây hại với tỷ lệ hại lớn sẽ làm ruộng lúa bị tàn lụi.
Thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ, chuẩn bị làm đòng (tượng khối sơ khởi), phiến lá lúa phát triển cứng hơn, mật độ bọ trĩ giảm dần, nhưng trên ruộng lúa lúc này lại xuất hiện thêm sâu cuốn lá lớn, sâu keo, sâu năn, rầy nâu, sâu đục thân….Tại thành phố Buôn Ma Thuột, một số nông dân hay sử dụng giống lúa dai (V13/2) để tạo nguồn gạo cung cấp cho thị trường chế biến sản phẩm bún tươi, giống lúa này thích hợp cho sâu năn (muỗi hành) phát sinh gây hại trong vụ hè thu. Sâu năn là đối tượng sâu hại khó phát hiện nhất trên ruộng lúa nếu không thăm đồng thường xuyên và vạch từng bụi lúa để truy tìm triệu chứng “cọng hành” ẩn nấp ở giữa khóm lúa. Khi mật độ gây hại của sâu năn càng cao đồng nghĩa với tỷ lệ bông lúa hữu hiệu càng thấp.
Giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ, ruộng lúa đã giao tán, ẩm độ và nhiệt độ ở chân ruộng thích hợp cho sâu đục thân ẩn náu và phát triển gây hại. Lúc này các đốt cây lúa bắt đầu dài ra nên mềm, ngọt, thơm ngon đối với sâu đục thân. Trứng sâu đục thân thường đẻ thành ổ mặt sau lá lúa, mỗi ổ có đến hàng trăm trứng. Sau khi trứng nở, sâu non đục lá bao đòng, chui vào giữa rồi đục điểm sinh trưởng, cắn đứt các mạch dẫn dinh dưỡng, làm cho bông lép trắng, khi lúa bị hại thì bị cả chòm lúa và lan rộng rất nhanh thành từng khoảnh, nếu không kịp phòng trừ thì cả ruộng, từng khu vực lúa bị hại. Những diện tích lúa bị hại do sâu đục thân, bông lúa sẽ lép, sản lượng thu hoạch không cao.
Song song với sâu hại thì bệnh hại trên lúa cũng là những đối tượng dịch hại đáng lo ngại tại Đắk Lắk, các bệnh thường gặp trên lúa vụ hè thu là bệnh đạo ôn; bệnh đốm sọc vi khuẩn; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; bệnh khô vằn….Trong đó đáng lo ngại nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn đốt thân, cổ bông và hạt. Bệnh thường phát sinh và phát triển lây lan mạnh ở thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ đến làm đòng, trỗ.
Kiểm tra bọ trĩ gây hại lúa
Một số biện pháp cơ bản để quản lý sâu, bệnh hại chính
Để quản lý tốt sâu, bệnh hại chính trên lúa vụ hè thu, cần tổng hợp các biện pháp tác động trong suốt quá trình sản xuất lúa từ khi làm đất đến thu hoạch.
Biện pháp xử lý đất ruộng để hạn chế mầm móng sâu bệnh trong đất và bón lót phân hữu cơ cho lúa, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn làm cho vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, giúp rễ lúa hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt, kháng được sâu bệnh hại, bổ sung vôi bột để làm giảm độ chua đối với những chân ruộng thường bị bệnh vàng lá do thối rễ ở những vụ trước.
Trước khi gieo sạ, ruộng phải được làm sạch cỏ, phay đất kỹ, nhuyễn bùn, san phẳng mặt ruộng. Chọn giống lúa xác nhận và cần xử lý giống trước khi gieo sạ để hạn chế tối đa sự xâm nhập của các loại dịch hại. Căn cứ vào thời vụ gieo trồng và thời gian sinh trưởng của từng giống lúa để xuống giống đúng thời vụ, né tránh các đợt dịch hại có thể phát sinh vào các giai đoạn xung yếu của cây lúa (như giai đoạn làm đòng, thụ phấn, trỗ…).
Bón đủ và cân đối các chất dinh dưỡng (đạm, lân, kali và các trung, vi lượng) để cây lúa hấp thu tốt các chất cần thiết theo nhu cầu sinh lý của từng giai đoạn. Điều tiết nước hợp lý, kết hợp với làm cỏ, sục bùn cho rễ lúa hô hấp mạnh, hấp thu dinh dưỡng nuôi cây. Đặc biệt, quan tâm đến biện pháp sinh học, bảo vệ lực lượng thiên địch có sẵn trên ruộng bằng cách không phun thuốc hóa học từ 0-40 ngày sau sạ (hoặc sử dụng thuốc sinh học nếu cần thiết) để các loại thiên địch phát triển mạnh (bọ rùa đỏ, nhện Lycosa, bọ xít gai ăn thịt, các loại ong ký sinh, nấm ký sinh….) sẽ khống chế sâu bệnh hại trên ruộng.
Ngoài ra, phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại và phòng trừ đúng lúc. Nếu sự biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho một loại sâu, bệnh hại phát sinh và gây hại với mật độ hay tỷ lệ cao, cần sử dụng thuốc hóa học thì phải đảm bảo theo nguyên tắc “bốn đúng”: đúng thuốc, đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ./.
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột