Đắk Lắk, Cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, khó khăn và giải pháp
Cập nhật lúc: 17/12/2015
Cập nhật lúc: 17/12/2015
Chương trình cải tạo đàn bò bằng TTNT của tỉnh do Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk triển khai liên tục trong nhiều năm, đã góp phần quan trọng vào công tác cải thiện tầm vóc, xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò chuyên thịt có chất lượng cao, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, xây dựng được đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề và tâm huyết trên địa bàn toàn tỉnh.
Thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho bò là một tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nhờ kỹ thuật này tinh những con bò đực giống tốt có thể phối giống bằng thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái ở bất cứ nơi nào, để trong một thời gian ngắn có thể tạo ra đàn con lai chất lượng cao, số lượng nhiều với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sử dụng bò đực giống. Chính vì vậy mà kỹ thuật TTNT đã góp phần rất lớn đến tốc độ cải tiến di truyền đàn bò trong thời gian qua.
Chương trình cải tạo đàn bò bằng TTNT của tỉnh do Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk triển khai liên tục trong nhiều năm, đã góp phần quan trọng vào công tác cải thiện tầm vóc, xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò chuyên thịt có chất lượng cao, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, xây dựng được đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề và tâm huyết trên địa bàn toàn tỉnh.
Giai đoạn 2007-2010, chương trình là một trong những trọng điểm trong Dự án giống của tỉnh, là mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhà nước đào tạo dẫn tinh viên, hỗ trợ các loại vật tư như bình ni tơ, khí ni tơ hóa lỏng, tinh đông lạnh, dụng cụ phục vụ thụ tinh nhân tạo, nhân dân đóng góp tiền công và chi đi lại cho các dẫn tinh viên.
Dẫn tinh viên Dương Danh Hải, huyện Ea Kar và bê lai thịt chất lương cao Red Angus
Từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông đảm nhiệm vai trò bà đỡ của chương trình trong điều kiện kinh phí chi cho hoạt động ngày càng hạn hẹp.
Để giải quyết những khó khăn về nguồn kinh phí phục vụ chương trình, tại hội nghị Tổng kết chương trình thụ tinh nhân tạo bò năm 2011, tổ chức ngày 26/4/2012, các đại biểu tham gia đã thống nhất các giải pháp:
Một là, thử nghiệm xã hội hóa hai loại vật tư phục vụ chương trình, đó là tinh đông lạnh và dụng cụ thụ tinh nhân tạo (găng tay, ống gen) từ tháng 6/2012.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người chăn nuôi đóng góp chia sẻ một phần khó khăn về kinh phí hiện nay của Trung tâm Khuyến nông.
Đến nay sau hơn ba năm thực hiện xã hội hóa một phần vật tư phục vụ thụ tinh nhân tạo bò, chương trình đã được vận hành tốt, do chương trình đã thực sự đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi và được xã hội chấp nhận nên số bò cái được phối giống bằng TTNT hàng năm liên tục tăng. Năm 2015 số bò cái được phối giống nhân tạo đạt hơn 6. 000 con (trước xã hội hoá một phần vật tư thụ tinh nhân tạo bò, năm 2011 chỉ có 2.740 bò cái được phối bằng thụ tinh nhân tạo).
Tuy nhiên việc áp dụng kĩ thuật này hiện nay vẫn chưa thực sự rộng rãi. Số bò cái được thụ tinh nhân tạo mặc dù đạt hơn 6.000 con trong năm 2015 nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng đàn bò sinh sản của tỉnh, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi có điều kiện kinh tế còn khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ đang sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, chúng ta có một đội ngũ dẫn tinh viên lành nghề nhưng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế của địa phương, tuổi đời của các dẫn tinh viên ngày càng cao trong khi các dẫn tinh viên trẻ tham gia chương trình vẫn còn rất ít, vẫn còn 1 huyện (Ea Súp) chưa triển khai được chương trình. Kinh phí để duy trì chương trình ngày càng khó khăn, chỉ đủ hỗ trợ Ni tơ lỏng để bảo quản, trung chuyển tinh, không có kinh phí để tuyên truyền nhân rộng, đào tạo thêm dẫn tinh viên mới. Việc triển khai quyết định 50/2014/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020” có thể giải quyết một phần khó khăn về kinh phí của chương trình nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tế.
Ngày 16 tháng 12 năm 2015 Trung tâm Khuyến nông tổ chức hội nghị tổng kết chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân bò trong hai năm 2014-2015, để đẩy mạnh chương trình trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất một số giải pháp cụ thể:
- Thường xuyên tổ chức toạ đàm, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nâng cao tỷ lệ phối đậu của bò cái sinh sản, giảm chi phí TTNT cho bò, tăng số lượng nông dân tham gia chương trình.
- Tăng cường công tác đào đạo dẫn tinh viên, các dẫn tinh viên củ chia sẻ kinh nghiệm, dìu đắt những người mới tham gia chương trình, các dẫn tinh viên mới phải nổ lực học tập, đúc kết kinh nghiệm, gây dựng được lòng tin trong nhân dân.
- Nâng cao số bò phối bằng tinh bò thịt chất lượng cao thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền qua phương tin thông tin đại chúng, trang Website Khuyến nông, qua các dẫn tinh viên và thử nghiệm các giống bò chuyên dụng thịt mới. Trước mắt trong năm 2016, thử nghiệm phối tinh nhân tạo bò chuyên dụng thịt BBB cho 100 bò cái nền tốt.
- Đề nghị các địa phương hỗ trợ một phần kinh phí cho chương trình cải tạo đàn bò bằng TTNT để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ ở vùng sâu, vùng xa có thể tham gia chương trình.
Trong thời gian tới, với những nỗ lực hơn nữa của Trung tâm Khuyến nông, của các dẫn tinh viên và sự quan tâm hỗ trợ của các địa phương, số bò cái được TTNT sẽ được nâng cao hơn nữa, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi, góp phần thiết thực vào công tác cải tạo giống bò của tỉnh, thúc đẩy nghề chăn nuôi bò ngày càng phát triển
Nguyễn Văn Nam, phòng vật nuôi