Đăk Lắk: Bước đi làm thay đổi tập quán chăn nuôi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số
Cập nhật lúc: 15/09/2015
Cập nhật lúc: 15/09/2015
Trong đời sống xã hội, tập quán có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, xử sự và hoạt động lao động sản xuất của mọi người, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán mang những nét đặc trưng riêng có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đăk Lắk: Bước đi làm thay đổi tập quán chăn nuôi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số
Trong đời sống xã hội, tập quán có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, xử sự và hoạt động lao động sản xuất của mọi người, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán mang những nét đặc trưng riêng có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển chăn nuôi là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, cần thiết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi lạc hậu đã ăn sâu bén rễ hàng nhiều đời nay khó có thể xóa bỏ trong một thời gian ngắn nên tác động xấu tới cả quá trình xây dựng và phát triển kinh tế. Hình thức chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, nuôi thả rông hay nuôi dưới sàn nhà, không quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức chăn nuôi đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, giảm thu nhập của bà con. Cách nuôi này đã gây nên những hệ lụy xấu tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thách thức lớn cho việc thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu thay đổi tập quán chăn nuôi; định hướng phát triển chăn nuôi gà theo hướng tập trung, an toàn bền vững, quản lý dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe của người chăn nuôi và cộng đồng. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk thực hiện triển khai mô hình “Nuôi gà An toàn sinh học” từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư cho hoạt động khuyến nông với quy mô 2.800 con gà giống Lương Phượng trong đó có đến 57,14% là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn ở huyện Cư Kuin, CưMgar và thành phố Buôn Ma Thuột.
Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% về con giống, 50% chi phí thức ăn và thuốc thú y và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà An toàn sinh học.
“Kỹ thuật chăn nuôi gà An toàn sinh học” không khó, chi phí đầu tư thấp. Chuồng nuôi xây dựng kiểu chuồng hở, đơn giản, cao ráo, thông thoáng tự nhiên, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương (gỗ, tre, nứa, gạch…) cách ly với nhà ở, chợ, bệnh viện, trường học, khu xử lý chất thải, các vật nuôi khác…; diện tích chuồng nuôi đảm bảo mật độ 10-12 con/m2 và bãi chăn thả là 01con/ m2.
Qua kinh nghiệm thực tế cần chọn mua gà giống ở những nơi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, gà khỏe mạnh, được tiêm phòng theo quy định của Nhà nước. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng rất quan trọng phải phù hợp với đặc điểm sinh lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bắp, lúa… để phối trộn khẩu phần ăn nhằm giảm chi phí đầu tư. Song song đó, cần thực hiện tốt 3 nguyên tắc trong chăn nuôi gà An toàn sinh học là cách ly, giữ vệ sinh thú y và chủ động tiêu diệt mầm bệnh.
Sau 4 tháng triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các Trạm Khuyến nông cùng chính quyền địa phương tổ chức đánh giá thực tế. Kết quả từ mô hình gà đạt tỷ lệ nuôi sống hơn 93%, trọng lượng trung bình 2 kg/con, hệ số tiêu tốn thức ăn 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng. Các hộ tham gia mô hình thu được lợi nhuận bình quân 1.600.000đ/100 con. Cùng với đó, bà con đã biết được cách làm chuồng nuôi gà không còn nuôi thả rong như trước đây, người chăn nuôi phải mang bảo hộ lao động, tập thói quen ghi chép trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, giữ vệ sinh thú y và quản lý đàn gà đạt hiệu quả cao.
Bà H’Yăn Byă ở buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng – huyện CưMgar) cho biết: “Trước đây mình chưa biết nuôi gà nhưng nhờ có cán bộ khuyến nông chỉ cho cách nuôi gà này mình thấy gà dễ nuôi, mau lớn, phân gà thì bón cho gốc tiêu, cà phê, mình muốn nuôi tiếp gà này để lại đẻ lấy trứng. Từ khi Nhà nước cho gia đình mình nuôi được mấy con gà thấy rất phấn khởi, hết lo lắng cho cuộc sống của mình như trước đây, bây giờ hàng ngày không cảm thấy đói như lúc trước nữa, gia đình tràn đầy niềm vui vì ước mơ của mình đã thành hiện thực rồi”.
Mô hình nuôi gà ATSH của gia đình bà H’Yăn Byă (buôn Kroa B –Cuôr Đăng - CưMGar)
Ông Hoàng Viết Cát – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cuôr Đăng cho biết: “Qua thực tế, mô hình nuôi gà An toàn sinh học đưa đến cho bà con biết thêm cách nuôi mới, gà dễ nuôi, đầu tư đơn giản. Thông qua mô hình này để tuyên truyền cho bà con ở các buôn trên địa bàn xã tham quan học tập kinh nghiệm”.
Việc đầu tư hỗ trợ cho bà con đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi gà An toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững, giúp cho bà con tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán chăn nuôi, cải thiện đời sống; giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng./.
Cao Phúc